75% chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy năm 2021 của BUH dành cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid tác động rất lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực giáo dục. Các thí sinh 2k3 đã rất nỗ lực vượt qua kỳ thi tốt nghiệp với đầy khó khăn và áp lực, trước mắt các bạn tiếp theo là một “cửa ải” nữa đó chính là cánh cửa của các trường đại học. Trong khi nhiều trường đại học khác đã dành phần lớn chỉ tiêu cho các phương thức khác như xét học bạ, xét điểm thi ĐGNL, cơ hội dành cho các thí sinh tại BUH vẫn còn rất lớn với 75% chỉ tiêu tuyển sinh dành cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
Để hỗ trợ cho quá trình điều chỉnh nguyện vọng của các thí sinh, Phòng tư vấn tuyển sinh và Phát triển Thương hiệu – BUH giải đáp một số câu hỏi thường gặp
Học sinh tại trường THPT tham gia chương trình Tư vấn tuyển sinh của BUH
- Trường dành bao nhiêu chỉ tiêu tuyển sinh năm 2021 cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT ?
Năm 2021, mặc dù BUH áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh đa dạng, nhưng xét kết quả thi tốt nghiệp THPT vẫn là phương thức chủ yếu.
- Chương trình ĐHCQ chuẩn (chương trình đại trà): 1905 chỉ tiêu
- Chương trình ĐHCQ chất lượng cao: 500 chỉ tiêu
- Chương trình ĐHCQ quốc tế song bằng: 80 chỉ tiêu
Tổng cộng : 2485 chỉ tiêu theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, tương đương 75% tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐHCQ năm 2021.
- Cụ thể chỉ tiêu tuyển sinh của từng ngành, từng chương trình theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT ?
Thông tin chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT tại BUH
Thí sinh chưa đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào BUH bằng điểm thi tốt nghiệp THPT thì giờ có thể đăng ký được không ?
Từ 07/8 đến 17h ngày 17/8/2021, các thí sinh được quyền điều chỉnh, thay đổi, bổ sung nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào các trường đại học. Nếu chưa đăng ký xét tuyển vào BUH hay các ngành, trường khác, thí sinh hoàn toàn có thể bổ sung nguyện vọng trong khoảng thời gian này.
- Các nội dung thí sinh được điều chỉnh, bổ sung từ 07/8 đến 17/8/2021 là gì ?
Thí sinh hầu như được thay đổi tất cả các nội dung ĐKXT như: tăng thêm nguyện vọng xét tuyển; thay đổi ngành, trường đã đăng ký; thay đổi tổ hợp môn xét tuyển và thay đổi thứ tự nguyện vọng xét tuyển…
- Cách thức điều chỉnh bổ sung nguyện vọng ? Thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng bao nhiêu lần:
Thí sinh chỉ được thực hiện điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT theo phương thức trực tuyến, sử dụng tại khoản và mật khẩu cá nhân đã được cấp, truy cập vào Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT để thực hiện điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT trực tuyến.
Sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, mỗi thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT tối đa 03 lần trong thời gian quy định.
- Thí sinh có được điều chỉnh tăng số lượng nguyện vọng đăng ký so với ban đầu hay không và thực hiện như thế nào ?
Thí sinh điều chỉnh lớn hơn số lượng nguyện vọng đã đăng ký ban đầu hoặc điều chỉnh sai sót các nội dung liên quan đến đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên phải khai chính xác thông tin theo mẫu quy định và nộp tại điểm thu nhận hồ sơ để bổ sung kinh phí tương đương với số lượng nguyện vọng tăng so với số nguyện vọng đã đăng ký ban đầu. Sau đó sử dụng tài khoản và mật khẩu cá nhân đã được cấp để thực hiện việc điều chỉnh.
- Điểm chuẩn trúng tuyển của các tổ hợp khác nhau (A00, A01, D01…) có khác nhau không, hay được xét chung ?
Các thí sinh cần xem kỹ trong đề án tuyển sinh của từng trường. Riêng tại BUH, các tổ hợp môn được xét bình đẳng như nhau, điểm chuẩn trúng tuyển hoàn toàn giống nhau. Các thí sinh nên chọn tổ hợp môn nào có điểm cao nhất để đăng ký xét tuyển, không nên đăng ký 2 nguyện vọng bằng 2 tổ hợp môn khác nhau.
- Điểm chuẩn trúng tuyển của các nguyện vọng có khác nhau không ? Thí sinh đăng ký nguyện vọng 3 vào trường có bất lợi gì so với các bạn đăng ký nguyện vọng 2, nguyện vọng 1 không ?
Theo quy định chung của Bộ GD&ĐT, Nhà trường xét tuyển không phân biệt thứ tự ưu tiên nguyện vọng đăng ký. Trừ trường hợp thí sinh bằng điểm nhau và bằng nhau về tiêu chí phụ ở cuối danh sách, khi đó trường mới xét ưu tiên thí sinh có nguyện vọng đăng ký cao hơn nguyện vọng cao hơn.
- Cách tính điểm tuyển sinh theo điểm thi tốt nghiệp THPT của Trường và điểm chuẩn các năm trước ?
Điểm xét tuyển bao gồm : Điểm tổ hợp môn + điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng (nếu có). Điểm tổ hợp môn là tổng điểm của 03 môn thi trong tổ hợp xét tuyển.
Ngoại trừ ngành Ngôn ngữ Anh, các ngành khác thuộc Chương trình ĐHCQ chuẩn, Chương trình ĐHCQ chất lượng cao, Chương trình ĐHCQ quốc tế song bằng đều không nhân hệ số. Ngành Ngôn ngữ Anh các tổ hợp môn xét tuyển đều có môn tiếng Anh và môn tiếng Anh được nhân hệ số 2, điểm tổ hợp môn được quy về thang điểm 30 như sau:
Điểm tổ hợp môn = (Điểm môn 1 + Điểm môn 2 + 2 x Điểm Tiếng Anh) x ¾
Thí sinh tham khảo điểm chuẩn các năm trước tại đây
- Thí sinh nên điều chỉnh nguyện vọng thế nào để tăng cơ hội trúng tuyển vào BUH nói riêng cũng như tăng cơ hội trúng tuyển nói chung ?
Có 03 điểm quan trọng trong Quy chế tuyển sinh: (1) Thí sinh được đăng ký không hạn chế số lượng nguyện vọng; (2) Thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng cao nhất có thể; (3) Các nguyện vọng thứ tự khác nhau được xét bình đẳng với nhau. Thí sinh sử dụng các lợi điểm này khi thực hiện điều chỉnh nguyện vọng:
+ Chọn ngành/nhóm ngành mình yêu thích và muốn học nhất, liệt kê danh sách các trường có đào tạo ngành/nhóm ngành này. Ngoài ra thí sinh cũng cần lưu ý, tại các Trường mỗi ngành có thể có nhiều chương trình đào tạo, có đặc điểm đào tạo khác nhau, mức học phí và mức điểm chuẩn trúng tuyển cũng khác nhau. Ví dụ: Ngành Tài chính ngân hàng tại BUH có 3 chương trình xét điểm thi tốt nghiệp THPT: ĐHCQ chuẩn, ĐHCQ chất lượng cao và ĐHCQ quốc tế song bằng.
+ Sắp xếp thứ tự nguyện vọng theo mức yêu thích của bản thân với ngành/chương trình và trường, không sắp xếp thứ tự nguyện vọng theo khả năng trúng tuyển (điểm chuẩn các năm trước). Nếu muốn học tập tại BUH, thí sinh nên đăng ký các nguyện vọng cao (1, 2, 3) ở các ngành/chương trình của BUH mà mình yêu thích nhất, nhưng cũng đừng quên dự phòng ở các ngành/nhóm ngành/chương trình khác tại chính BUH, cũng như tại các trường khác. Ví dụ bạn có thể đăng ký NV1: Ngành QTKD chương trình ĐHCQ chuẩn của BUH, NV2: Chương trình ĐHCQ chất lượng cao (Ngành QTKD) của BUH và ngược lại. Thí sinh tránh tâm lý không dám đăng ký nguyện vọng vào các ngành/trường mình mong muốn do sợ không đủ điều kiện trúng tuyển hay đăng ký quá ít nguyện vọng, do đó tự làm hạn chế cơ hội của mình.
Theo cách này, các em vừa có cơ hội đạt nguyện vọng mong muốn nhất, vừa duy trì cơ hội trúng tuyển ở các nguyện vọng khác.
- Em muốn đăng ký ngành Tài chính Ngân hàng/Quản trị kinh doanh/Kế toán của chương trình chất lượng cao thì em phải đăng ký như thế nào như thế nào ?
Nếu muốn đăng ký vào ngành Tài chính Ngân hàng/Quản trị kinh doanh/Kế toán của Chương trình chất lượng cao của Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, thí sinh sẽ đăng ký:
+ Mã trường: NHS
+ Mã ngành: 7340001
+ Tên ngành/nhóm ngành: Chương trình Đại học chính quy chất lượng cao
+ Và lựa chọn 1 trong 4 tổ hợp môn : A00, A01, D01, D07
+ Sau khí trúng tuyển thí sinh sẽ được lựa chọn 1 trong 03 ngành Tài chính Ngân hàng/Quản trị kinh doanh/Kế toán theo nguyện vọng.
- Em muốn đăng ký ngành Tài chính Ngân hàng/Quản trị kinh doanh của chương trình ĐHCQ quốc tế song bằng thì em phải đăng ký như thế nào như thế nào ?
Nếu muốn đăng ký vào ngành Tài chính Ngân hàng/Quản trị kinh doanh thuộc Chương trình Quốc tế song bằng, thí sinh sẽ đăng ký
+ Mã trường: NHS
+ Mã ngành: 7340002
+ Tên ngành/nhóm ngành: Chương trình Đại học chính quy quốc tế song bằng
+ Và lựa chọn 1 trong 4 tổ hợp môn : A00, A01, D01, D07, D10
+ Sau khí trúng tuyển thí sinh sẽ được lựa chọn ngành học Bảo hiểm – Tài chính – Ngân hàng, Quản trị kinh doanh, hoặc Quản trị kinh doanh chuyên ngành Quản lý chuỗi cung ứng theo nguyện vọng.
- Chương trình Đại học chính quy chất lượng cao có điểm khác biệt nào nổi bật ?
Chương trình đào tạo chất lượng cao trình độ đại học thể hiện hướng phát triển nâng cao của đào tạo chính quy tại Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM. Chương trình hướng đến các giá trị cốt lõi: (1) Kiến thức chuyên môn chuyên sâu và hiện đại theo chuẩn quốc tế; (2) Năng lực thực hành và ứng dụng công nghệ số; (3) Kỹ năng mềm và năng lực dẫn dắt; (4) Năng lực ngoại ngữ và khả năng hội nhập quốc tế; (5) Năng lực tự nghiên cứu, tự học. Chương trình đào tạo được xây dựng hiện đại theo định hướng hội nhập quốc tế và chuyển đổi số (Fintech, E-Business, Digital Accounting) với nhiều môn học chuyên ngành được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, sử dụng giáo trình tài liệu nước ngoài, chương trình đào tạo tiếng Anh tăng cường và đào tạo kỹ năng mềm (miễn phí), đội ngũ giáo viên trình độ cao, hoạt động kiến tập và tìm hiểu thực tế tại doanh nghiệp, hoạt động nghiên cứu khoa học … Chương trình hướng đến đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chuyển đổi số.
- Chương trình Đại học chính quy quốc tế cấp song bằng học trong bao lâu và được cấp bằng gì ?
Chương trình ĐHCQ quốc tế song bằng bao gồm các ngành:
● Chuyên ngành Bảo hiểm – Tài chính – Ngân hàng hợp tác với ĐH Toulon (Pháp)
● Chuyên ngành Quản trị kinh doanh hợp tác với ĐH Bolton (Anh Quốc)
● Chuyên ngành Quản trị kinh doanh -Quản lý chuỗi cung ứng hợp tác với ĐH Bolton (Anh Quốc)
Sinh viên tốt nghiệp chương trình ĐHCQ quốc tế song bằng sẽ được nhận 02 bằng, 01 bằng do BUH và 01 bằng do trường đối tác nước ngoài cấp. Mặc dù được cấp 02 bằng của 02 Trường đại học nhưng thời gian đào tạo vẫn trong phạm vị 04 năm và sinh viên có thể học hoàn toàn tại Việt Nam.
Giai đoạn 1 (2 học kỳ ): Sinh viên theo học chương trình tiếng Anh và các môn học đại cương theo Chương trình đào tạo của Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh.
Giai đoạn 2 (4 học kỳ): Sinh viên học các môn cơ sở ngành bằng tiếng Anh do các giảng viên xuất sắc, tốt nghiệp từ các trường ĐH danh tiếng nước ngoài của Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh giảng dạy
Giai đoạn 3 (12 tháng) : Sinh viên học môn chuyên ngành do các giáo sư đến từ Đại học Bolton và Toulon giảng dạy.
Tuy nhiên, nếu có nhu cầu đi chuyển tiếp học tập tại nước ngoài sau khi hoàn thành 2 năm tại Việt Nam, sinh viên có thể lựa chọn chuyển tiếp sang học năm cuối (với học bổng ưu đãi) tại Đại học Bolton hoặc Đại học Toulon, hoặc các trường đại học ở Anh, Mỹ, Úc, NZ, Pháp.
BUH có những chuyên ngành đào tạo mới nào ?
Với triết lý đào tạo “Khai phóng”, “Trải nghiệm”, “Liên ngành” và định hướng tiên phong trong đào tạo, nghiên cứu ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, kinh doanh, quản lý , BUH đã phát triển và đưa vào đào tạo các chuyên ngành mới như: Công nghệ tài chính – Fintech (Ngành TCNH), Digital Marketing (Ngành QTKD), Quản trị Logistics và chuỗi cung ứng (Ngành QTKD), Khoa học dữ liệu (Ngành HTTQL), Quản trị thương mại điện tử (Ngành HTTTQL), Kinh doanh quốc tế (Ngành Kinh tế Quốc tế)…
Tại thời điểm này, ngoài xét điểm thi tốt nghiệp THPT các thí sinh còn có phương thức và cơ hội nào khác để xét tuyển vào BUH không ?
Vào thời điểm hiện tại, Chương trình ĐHCQ quốc tế do đối tác cấp bằng đang nhận hồ sơ xét tuyển bằng học bạ THPT và phỏng vấn với 235 chỉ tiêu. Chương trình đại học hệ vừa làm vừa học (Ngành TCNH: 90 chỉ tiêu, Ngành Kế toán: 90 chỉ tiêu) nhận hồ sơ xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT các năm từ năm 2015 đến nay và xét học bạ học tập bậc THPT.
Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh chúc các bạn thí sinh đạt được kết quả tốt quả tốt nhất trong kỳ tuyển sinh Đại học năm 2021. Rất mong được chào đón các bạn với tư cách là những thành viên mới của đại gia đình BUH.
Thông tin liên hệ:
Phòng Tư vấn Tuyển sinh và Phát triển Thương hiệu - Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh
Địa chỉ: 36 Tôn Thất Đạm, quận 1, TP.HCM
Hotline: 0888 35 34 88 - Email: phongtvts@buh.edu.vn
Website:
Fanpage: BUH- Tư vấn tuyển sinh Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM
Youtube: BUH Channel