Ngày 18/6/2013, Quốc hội đã thông qua Luật Khoa học và Công nghệ, trong đó quy định lấy ngày 18/5 hằng năm là “Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam”. Ngày 18/5/2014, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã chính thức tổ chức Lễ công bố Ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam 18/5.
Ngày KH&CN Việt Nam nhằm biểu dương và tôn vinh đội ngũ cán bộ KH&CN; tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các thành tựu KH&CN đối với sự phát triển đất nước, nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của KH&CN; động viên thế hệ trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên say mê nghiên cứu khoa học, góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ khoa học trong tương lai.
Cách đây 57 năm, ngày 18-5-1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ đến dự và chúc mừng Đại hội Đại biểu Hội Phổ biến Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) Việt Nam toàn quốc lần thứ nhất (tiền thân của Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam). Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết những luận điểm quan trọng nhất về phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) ở nước ta, đồng thời giao nhiệm vụ vừa khó khăn, nhưng lại vừa vinh quang này cho giới trí thức KH&CN Việt Nam. Người khẳng định:
"Chúng ta đều biết rằng trình độ KH&KT của ta hiện nay còn thấp kém. Lề lối sản xuất chưa cải tiến được nhiều. Cách thức làm việc còn nặng nhọc. Năng suất lao động còn thấp. Phong tục tập quán lạc hậu nhiều. Nhiệm vụ của khoa học là ra sức cải biến những cái đó…Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi…Các cô, các chú phải ra sức đem hiểu biết KH&KT của mình truyền bá rộng rãi trong nhân dân lao động, để nhân dân thi đua sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ…". Xuất phát từ đó, ngày 18/5 được chọn là Ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam.
Năm nay, với chủ đề “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo – nâng cao tiềm lực và vị thế quốc gia”, KH&CN không chỉ khẳng định vai trò và sức mạnh vô cùng to lớn trong các lĩnh vực CNH-HĐH đất nước mà còn trở thành động lực then chốt của sự nghiệp đổi mới và phát triển. Những thành tựu KH&CN ngày càng được quan tâm, nghiên cứu, ứng dụng, phổ biến và áp dụng sâu rộng trong thực tiễn, tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao dân trí, bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa, con người Việt Nam.
Từ 2019 đến 2022, Trường Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh đã và đang gặt hái được một số thành tựu đáng kể trong việc gia tăng hoạt động nghiên cứu khoa học. Theo đó, tổng số lượng các công trình khoa học quốc tế đã được công bố tăng từ 162 lên 260 công trình, với số lượng bài báo quốc tế thuộc danh mục ISI và Scopus tăng gần gấp 3 lần, cụ thể từ khoảng 46 bài báo năm 2019 tăng lên 133 bài báo năm 2022. Cũng trong giai đoạn này, số lượng đề tài cấp bộ, vườn ươm đã được nghiệm thu tăng hơn gấp đôi từ 5 đề tài lên 11 đề tài trong năm 2022. Ngoài ra, số lượng đề tài, đề án cấp cơ sở được nghiệm thu cũng tăng gần 2.5 lần, từ khoảng 15 đề tài, đề án năm 2019, lên 37 đề tài, đề án năm 2022. Về sách tài liệu tham khảo, giáo trình, sách chuyên khảo đã nghiệm thu, số liệu cũng cho thấy mức tăng đáng kể từ 13 công trình lên 55 công trình. Đa số các Nhiệm vụ KH&CN trên đều được Hội đồng Khoa học và Công nghệ đánh giá cao về giá trị thực tiễn và khoa học, có đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của ngành ngân hàng.
Bên cạnh những thành tựu NCKH đạt được trong thời gian qua, nhằm phát huy nền tảng tri thức trong kỷ nguyên số. Mục tiêu, định hướng nghiên cứu trong thời gian tới của trường Đại học Ngân hàng TP.HCM là tập trung nghiên cứu ứng dụng công nghệ số trong các sản phẩm nghiên cứu của trường, ưu tiến những nghiên cứu nhằm mang lại hiệu quả thực tiễn trong phát triển kinh tế xã hội cho khu vực các tỉnh thành phía Nam, đồng thời hướng tới kết nối các nhóm nghiên cứu và trao đổi, thử nghiệm các thiết bị, công nghệ và sản phẩm trong lĩnh vực tài chính Ngân hàng.