Sáng ngày 08 tháng 12 năm 2020, Hội thảo khoa học “Kiểm định chất lượng giáo dục quốc tế - con đường hội nhập và phát triển” được tổ chức tại Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM.
Hội thảo có sự tham dự của PGS.TS Hạ Thị Thiều Dao, Phó Hiệu trưởng Nhà trường; các thầy cô lãnh đạo các đơn vị, khoa, bộ môn; các cán bộ, giảng viên kiêm nhiệm công tác đảm bảo chất lượng của Trường; cùng các nhà khoa học, chuyên gia, giảng viên đến từ các trường đại học trong khu vực thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành lân cận.
Toàn cảnh Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. TS Hạ Thị Thiều Dao – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM gửi lời chào mừng đến các nhà khoa học tham dự Hội thảo và bày tỏ mong muốn Hội thảo sẽ là một diễn đàn khoa học bổ ích để các nghiên cứu, nhà khoa học cùng nhau nghiên cứu, trao đổi, đánh giá hiệu quả thực trạng công tác kiểm định chất lượng giáo dục trong nước và quốc tế hiện nay, đồng thời cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn quý báu, từ đó hoạch định những đường lối, chính sách phát triển nhằm nâng cao tầm vóc các trường đại học của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Về phía trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, trong thời gian qua đã dành được những kết quả đáng ghi nhận trong công tác kiểm định chất lượng giáo dục quốc tế như đánh giá thành công 02 chương trình đào tạo theo bộ tiêu chuẩn AUN – QA hay đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác đảm bảo chất lượng.
PGS.TS Hạ Thị Thiều Dao phát biểu khai mạc Hội thảo
Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, chuyên gia, giảng viên từ các trường đại học, cao đẳng trên cả nước gửi gắm kết quả nghiên cứu của mình. Sau quá trình chọn lọc và phản biện khách quan, Hội thảo đã công bố 33 tham luận xoay quanh các vấn đề: từ cơ sở pháp lý đến thực tiễn triển khai công tác đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục tại Việt Nam, các mô hình đảm bảo chất lượng giáo dục trên thế giới, tác động của công tác kiểm định chất lượng quốc tế đến cơ sở giáo dục và các bên liên quan, kinh nghiệm và giải pháp góp phần kiểm định chất lượng giáo dục quốc tế thành công…
Hội thảo diễn ra sôi nổi với các tham luận trình bày của các báo cáo viên.
TS. Nguyễn Thị Thu Trang trình bày tham luận
Với phần trình bày tham luận “Vai trò của kiểm định chất lượng giáo dục các cơ sở giáo dục đại học trên con đường hội nhập”, TS. Nguyễn Thị Thu Trang – Trường ĐH Ngân hàng TPHCM cho rằng, trước xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang diễn ra rất nhanh, đặc biệt là sự bùng nổ của CMCN 4.0, việc kiểm định chất lượng giáo dục quốc tế được xem như một trong những nhiệm vụ của cơ sở giáo dục để góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng cạnh tranh và hội nhập với thị trường lao động rất năng động của khu vực và thế giới.
PGS. TS. Bành Quốc Tuấn trình bày tham luận
Chia sẻ với phần nghiên cứu của mình “Chất lượng giảng viên – Tiêu chuẩn có ý nghĩa quyết định đối với chất lượng chương trình đào tạo được đánh giá theo bộ tiêu chuẩn của AUN-QA”, PGS. TS. Bành Quốc Tuấn – Trường Đại học Công nghệ TPHCM cho rằng giảng viên với vị trí của là một trong những chủ thể trung tâm, giữ vai trò quyết định đối với chất lượng giảng dạy, nghiên cứu của một cơ sở giáo dục. Vì vậy, tiêu chuẩn “chất lượng giảng viên” là một trong những tiêu chuẩn có ý nghĩa quyết định đối với chương trình đào tạo được đánh giá, kiểm định.
TS. Phan Công Chính chia sẻ quan điểm
ThS. Đoàn Thị Minh Thoa trình bày tham luận
Với báo cáo “Kết nối với doanh nghiệp trong việc phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên góp phần đảm bảo chất lượng đầu ra” của nhóm tác giả TS. Phan Công Chính – Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn, ThS. Đoàn Thị Minh Thoa – Trường Đại học Văn Lang. Nhóm tác giả cho rằng việc phát triển các kỹ năng mềm cho sinh viên không những là yêu cầu bắt buộc trong kiểm định chất lượng CTĐT trong nước và quốc tế, mà còn hết sức cần thiết giúp sinh viên tốt nghiệp đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường lao động hiện nay.
TS. Bùi Diệu Anh trình bày tham luận
TS. Bùi Diệu Anh với tham luận “Kiểm định chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn AUN-QA: Bài học kinh nghiệm từ khoa Ngân hàng, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM”, theo TS có 5 yếu tố quan trọng để tạo được sự thành công trong công tác kiểm định chất lượng CTĐT ngành Ngân hàng: (1) sự chỉ đạo sát sao của Ban Giám hiệu, (2) chọn đơn vị tư vấn hiệu quả, (3) phân bổ nhân sự hợp lý, (4) vai trò của bộ phận đảm bảo chất lượng, (5) lộ trình viết báo cáo phải được thực hiện một cách linh hoạt. Trong đó, (1) sự chỉ đạo sát sao của Ban Giám hiệu giữ vai trò nòng cốt.
Cùng với những kết quả nghiên cứu được chia sẻ, các nhà khoa học, chuyên gia, giảng viên tham dự Hội thảo đã đặt câu hỏi, trao đổi, thảo luận sau mỗi phần trình bày, nhằm làm sáng tỏ hơn những vấn đề nghiên cứu, đồng thời cập nhật những góc nhìn thực tế, xác định những nguyên nhân, bất cập và vạch ra lộ trình đánh giá, định hướng bộ tiêu chuẩn kiểm định quốc tế phù hợp với điều kiện, nguồn lực của đơn vị mình.
TS. Đặng Đình Tân phát biểu tại Hội thảo
TS. Lê Đình Hạc phát biểu tại Hội thảo
TS. Viên Thế Giang phát biểu tại Hội thảo
Ban tổ chức tặng hoa cho các báo cáo viên
Có thể khẳng định rằng, trong xu thế hội nhập quốc tế, công tác kiểm định chất lượng đã trở thành nhiệm vụ quan trọng mang tính pháp lý đối với tất cả các trường đại học. Vì vậy, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình thực hiện kiểm định chất lượng, đặc biệt là kiểm định quốc tế sẽ góp phần giúp các trường nâng cao vị thế của mình, đưa giáo dục nước nhà vươn tầm khu vực và quốc tế, đồng thời góp phần đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước trong thời đại CMCN 4.0.
Nguồn tin: Phòng Khảo thí & Đảm bảo chất lượng
Ảnh: Phòng Tư vấn tuyển sinh và Phát triển thương hiệu