Hội thảo Quốc gia với chủ đề “Kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hậu bình thường mới của xung đột Nga - Ukraine: Hướng đi nào cho bất động sản và thị trường chứng khoán” do Trường Đại học Ngân hàng Tp. Hồ Chí Minh và Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức diễn ra vào chiều ngày 14 tháng 7 năm 2022 tại Hội trường cơ sở 36 Tôn Thất Đạm Quận 1 của Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh.
Hội thảo có sự tham gia thảo luận của các diễn giả (panelists) là các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu Việt Nam hiện nay như: GS. TS. Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng chức danh GS ngành kinh tế; PGS TS. Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng viện nghiên cứu phát triển TP HCM; Ông Nguyễn Đức Long - Vụ trưởng vụ dự báo thống kê Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ông Nguyễn Xuân Thành, chuyên gia kinh tế - giảng viên chính sách công trường Đại học Fulbright Việt Nam; TS Trần Anh Tuấn- Phó GĐ Sở kế hoạch đầu tư TP.HCM; PGS. TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo- Phó hiệu trưởng trường Công nghệ & thiết kế Đại học kinh tế TP HCM; GS. TS. Võ Xuân Vinh- Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh doanh – Trường Đại học Kinh tế TP.HCM; PGS. Ông Hoàng Công Tuấn- Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán MB (MBS) và PGS. TS. Nguyễn Đức Trung – Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM chủ trì và điều phối hội thảo (Moderator).
PG. TS. Trần Thọ Đạt – Chủ tịch Hội đồng chức danh GS ngành kinh tế
Bên cạnh đó, hội thảo còn có sự tham gia của lãnh đạo các khoa, đơn vị trực thuộc Trường Đại học Ngân hàng Tp. Hồ Chí Minh, lãnh đạo, giảng viên, nghiên cứu viên các trường đại học, viện nghiên cứu; đại diện các cơ quan quản lý, hoạch định chính sách, các ngân thương mại, công ty chứng khoán, công ty bất động sản, các cơ quan báo chí truyền thông.
Tại hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Đức Trung đã thay mặt nhóm nghiên cứu Trường Đại học Ngân hàng Tp. Hồ Chí Minh báo cáo tổng quan bức tranh kinh tế vĩ mô Thế giới và Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2022. Nhóm nghiên cứu cũng đã đưa ra một số phân tích, dự báo cho kịch bản kinh tế vĩ mô 6 tháng cuối năm 2022 dựa trên việc ứng dụng mô hình mạng thần kinh nhân tạo (ANN) và mô hình cân bằng động tổng thể DSGE trên nền tảng phân tích Bayesian do Qũy tiền tệ thế giới (IMF) khuyến nghị cho Việt Nam. Bên cạnh đó, các tác động của xung đột Nga – Ukraine đến thị trường chứng khoán các quốc gia châu Á và Việt Nam cũng đã được nhóm nghiên cứu phân tích qua phương pháp nghiên cứu sự kiện (event study).
PGS. TS. Nguyễn Đức Trung trình bày báo cáo tại Hội thảo
Trong 6 tháng cuối năm 2022, theo nhận định của các chuyên gia Kinh tế, Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng của vấn đề chi phí đẩy, lạm phát toàn cầu gia tăng, hình thành trạng thái hậu bình thường mới. Bên cạnh đó, với kịch bản kinh tế thế giới 6 tháng cuối năm 2022 khá ảm đạm, các chuyên gia nhận định tình hình tài chính, tiền tệ quốc tế có rất nhiều biến động, gây áp lực đến kinh tế Việt Nam. Do đó, NHNN cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, đồng thời sẵn sàng cung ứng đủ nguồn vốn cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế. Cũng theo nhận định của các chuyên gia, trong 6 tháng cuối năm 2022, việc điều hành chính sách cần quan tâm quản trị khủng hoảng để ổn định vĩ mô, cần giải quyết bài toán dài hạn như đứt gãy chuỗi cung ứng, tránh phụ thuộc vào nguyên vật liệu nhập khẩu. Đặc biệt, cần nhanh chóng hoàn thiện thể chế, giải quyết các tắc nghẽn về đầu tư công, đồng thời giải quyết bài toán phân bổ nguồn lực về vốn, ngân sách, tài sản công. Chính phủ cũng cần hỗ trợ giá xăng dầu để không gây hiệu ứng domino lạm phát đến giá cả các hàng hóa khác.
Về hướng đi cho thị trường chứng khoán và bất động sản, các chuyên gia cho rằng trong trung và dài hạn sẽ có nhiều khởi sắc bởi hiện tại thị trường đã giảm quá sâu, nhiều cổ phiếu đã thấp ngang, thậm chí thấp hơn giá trị sổ sách. Đặc biệt, các mã chứng khoán ngành tài chính - ngân hàng đang thực sự hấp dẫn. Nhiều cổ phiếu chứng khoán ngân hàng thị giá đã ngang giá trị sổ sách nên đây là cơ hội để tích lũy tài sản chứng khoán hợp lý. Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm 2022, thị trường bất động sản đã phải đối mặt với nhiều khó khăn về nguồn vốn đầu tư, khan hiếm nguồn cung, đặc biệt tại phân khúc nhà ở bình dân. Nguồn vốn đầu tư bị kiểm soát chặt chẽ do các mục tiêu lạm phát, các kênh huy động từ trái phiếu doanh nghiệp cũng bị hạn chế. Tuy có những khó khăn trong giai đoạn 6 tháng cuối năm 2022, nhưng các chuyên gia nhận định khi thị trường trầm lắng chính là cơ hội cho các nhu cầu thực sự cũng như các nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn.
PGS TS. Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng viện nghiên cứu phát triển TP. HCM
Hội thảo tiếp nối sự thành công của chuỗi Hội thảo kinh tế vĩ mô thường niên (HUB Macroeconomics Forum) đã được tổ chức lần thứ 9 tại Trường Đại học Ngân hàng Tp. Hồ Chí Minh, diễn đàn kinh tế với quy mô lớn, quy tụ được trí tuệ của các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế ở cả 2 miền Nam, Bắc để phân tích, đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô Thế giới và Việt Nam nhằm tham mưu cho Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan Ban, Bộ ngành của Chính phủ trong xây dựng, điều hành chính sách; đưa ra những khuyến nghị có giá trị đối với các tổ chức tài chính, doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Một số hình ảnh các diễn giả và chuyên gia tại buổi hội thảo