Nhóm nghiên cứu BUH dự báo tăng trưởng kinh tế TP. Hồ Chí Minh trong bối cảnh lây lan của biến thể Dealta bằng ứng dụng mạng Nơ- ron nhân tạo


 ỨNG DỤNG MẠNG NƠ-RON NHÂN TẠO DỰ BÁO TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TRONG BỐI CẢNH LÂY LAN CỦA BIẾN THỂ DELTA

 

Tăng trưởng kinh tế phản ánh sự phát triển của một quốc gia, giúp nâng cao vị thế và thu hút đầu tư vào quốc gia đó. Tăng trưởng kinh tế có tác động đến việc thực hiện các chính sách xã hội, làm biến đổi cơ cấu ngành kinh tế, hình thành nhiều ngành mới, tạo ra nhiều việc làm cho người dân. Do đó, dự báo tăng trưởng kinh tế ở quy mô toàn cầu cũng như quốc gia luôn được các tổ chức quốc tế, chính phủ các nước đặc biệt quan tâm. Đặc biệt hơn, trong những năm gần đây, do yêu cầu chủ động trong việc lập kế hoạch phát triển, các địa phương tại các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng bắt đầu quan tâm hơn đến công tác dự báo tăng trưởng kinh tế ở quy mô địa phương.

Tuy nhiên, công tác dự báo sẽ trở lên khó khăn hơn trong các giai đoạn khủng hoảng kinh tế và dịch bệnh. Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 bùng phát vào cuối tháng 12/2019 bắt nguồn từ Vũ Hán, Trung Quốc, đã lan rộng ra toàn thế giới. Dịch bệnh đã tác động nhanh chóng đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội, khiến cho các thị trường tài chính chao đảo và nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái. Trước tác động của dịch bệnh, công tác dự báo sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu và các quốc gia trên thế giới luôn được điều chỉnh bởi các tổ chức quốc tế. Dự báo trong ngắn hạn các điều kiện kinh tế trong cuộc khủng hoảng COVID-19 trở thành mối quan tâm chính đối với việc ra quyết định kinh tế và chính sách. Tuy nhiên, thật không may, trong những tình huống có các cú sốc như khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh, các mô hình dự báo truyền thống sẽ không thể phát huy hiệu quả do sự thay đổi hành vi bất thường của các chủ thể trong nền kinh tế. Đồng thời, cơ sở lý thuyết để xây dựng các mô hình này đều dựa trên các giả định trong điều kiện bình thường của nền kinh tế.

Do đó, việc tìm kiếm, phát triển và đào tạo các phương pháp hiện đại phục vụ công tác dự báo đang trở thành một vấn đề cấp thiết được các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm. Nhiều phương pháp dự báo mới đã được phát triển và có những ứng dụng bước đầu trong phục vụ đời sống và ra quyết định của các chủ thể trong nền kinh tế. Trong đó, xu hướng đào tạo nhằm phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo để dự báo và ra quyết định đang được các tổ chức, trường đại học, viện nghiên cứu đặc biệt quan tâm.

Nghiên cứu này của chúng tôi được thực hiện nhằm đóng góp thêm quan điểm dự báo dựa trên việc ứng dụng mạng nơ rôn nhân tạo (Artificial Neural network – ANN). Mô hình mạng nơron nhân tạo (Artificial Neural network – ANN) được chúng tôi lựa chọn để dự báo kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2021 cho thành phố Hồ Chí Minh vì có một số thuận lợi so với các mô hình dự báo truyền thống thường dựa các lý thuyết kinh tế. Cụ thể, mô hình ANN có ưu điểm ở khả năng tự học các tình huống tăng trưởng thực tế trong dữ liệu quá khứ và điều chỉnh các kết quả dự báo phù hợp với thực tế mà không phụ thuộc vào ý kiến chủ quan. Bên cạnh đó, mô hình ANN sẽ đưa ra các dự báo tốt hơn trong những trường hợp có các cú sốc kinh tế và dịch bệnh do được phát triển không dựa trên các lý thuyết kinh tế và có thể được điều chỉnh theo bối cảnh thực tế.

Trong 7 tháng đầu năm 2021, kinh tế thế giới có sự phục hồi đáng kể nhưng không đồng đều giữa các quốc gia. Hầu hết các quốc gia đang phát triển trong đó có Việt Nam vẫn đang vật lộn với các tác động kéo dài của đại dịch COVID-19. Hoạt động đầu tư cũng bị chững lại khi các tập đoàn đa quốc gia cân nhắc lại chiến lược đầu tư cũng như các biện pháp phong tỏa do dịch bệnh COVID-19 cũng ảnh hưởng tới việc triển khai các dự án mới. Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm tài chính – kinh tế của cả nước cũng đang chịu tác động mạnh của đại dịch COVID-19. Cụ thể, tình hình kinh tế - xã hội của thành phố trong 7 tháng đầu năm 2021, cho thấy một số nguy cơ, thách thức đối với tăng trưởng kinh tế của thành phố trong những tháng cuối năm 2021: Chỉ số giá tăng 2,32% so với cùng kỳ năm trước ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và chi tiêu của người dân. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào thành phố 7 tháng đầu năm là 1,78 tỷ đồng, giảm 25,1% so với cùng kỳ năm trước. Ngành công nghiệp thành phố đang gặp lực cản bởi làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4, thể hiện qua chỉ số IIP giảm dần (4 tháng tăng 9,7%; 5 tháng tăng 7,4%, 6 tháng tăng 5,9% và 7 tháng tăng 2,3%). Ngành du lịch, lữ hành vẫn chịu tác động nặng nề từ dịch COVID-19. Doanh thu ngành du lịch, lữ hành 7 tháng đầu năm 2021 giảm 49,8% so với năm trước. Dịch vụ lữ hành trong tháng 7 không phát sinh doanh thu và nhiều doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động. Thị trường bất động sản chịu tác động mạnh mẽ từ đại dịch COVID-19, đặc biệt thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng và thị trường bất động sản cho thuê bị ảnh hưởng nặng nề. Doanh thu từ dịch vụ kinh doanh bất động sản 7 tháng đầu năm đạt 131.523 tỷ đồng, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu thấp hơn kim ngạch nhập khẩu cả về giá trị và mức tăng trưởng, dẫn đến thâm hụt thương mại. Mặc dù, tổng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu 7 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ nhưng trong tháng 7, kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước đều giảm lần lượt là 23,9%  và 9,8% so với tháng trước. Hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong 7 tháng từ đầu năm 2021, TP.HCM có 23.199 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường; trong đó có 12.071 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh.

 

 

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi đưa ra 2 kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế của thành phố Hồ Chí Minh năm 2021 như sau:

Kịch bản 1:

Kịch bản này giả định trong bối cảnh các nước trên thế giới cơ bản triển khai thành công việc tiêm vaccine. Bên cạnh đó, thế giới sẽ có thuốc điều trị COVID-19 vào cuối quý 4/2021. Tại Việt Nam, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát tại các tỉnh thành, làn sóng dịch chuyển đầu tư và thương mại, sẽ giúp nền kinh tế cả nước từng bước lấy lại đà tăng trưởng. Đối với TP.HCM, đến hết tháng 9 cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, việc tiêm chủng được triển khai nhanh chóng và đạt miễn dịch cộng đồng vào quý 2 năm 2022. Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với người dân và doanh nghiệp phát huy tác dụng. Các doanh nghiệp thích nghi trạng thái “bình thường mới” và chuyển dần hoạt động kinh doanh sang nền tảng số.

Biểu đồ 1: Dự báo điểm và dự báo khoảng tăng trưởng kinh tế TP.HCM năm 2021 (Kịch bản 1)


Kịch bản 2

Kịch bản này được giả định trong bối cảnh, đến cuối năm 2021, chỉ một số nước kiểm soát được dịch như Mỹ và một số nước châu Âu. Trong khi đó, châu Á, Nam Mỹ, Đông Nam Á… vẫn bị dịch hoành hành. Quá trình phục hồi kinh tế khó khăn, hoạt động thương mại và đầu tư toàn cầu chỉ phục hồi nhẹ. Tại Việt Nam, dịch bệnh Covid-19 chỉ cơ bản kiểm soát được ở một số tỉnh thành, dẫn tới việc chậm khôi phục các hoạt động kinh tế xã hội. Đối với TP.HCM, đến quý 4 năm 2021, thành phố mới có thể khống chế dịch bệnh, quá trình tiêm chủng vaccine được triển khai chậm do thiếu nguồn cung. Các chính sách hỗ trợ, quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi số được thúc đẩy nhưng dịch vụ, thương mại và thu hút vốn đầu tư nước ngoài phục hồi chậm.

Biểu đồ 2: Dự báo điểm và dự báo khoảng tăng trưởng kinh tế TP.HCM năm 2021 (Kịch bản 2)

Mặc dù hai kịch bản tăng trưởng đều cho thấy một bức tranh kinh tế năm 2021 không mấy sáng sủa nhưng triển vọng phục hồi và phát triển mạnh mẽ sau đó của kinh tế thành phố Hồ Chí Minh là rất khả quan. Đến thời điểm hiện tại, thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang từng bước kiểm soát khủng hoảng COVID-19 và có những giải pháp hiệu quả để thực hiện mục tiêu kép như “3 tại chỗ”, “1 cung đường - 2 điểm đến”,... Trong bối cảnh khó khăn vào những tháng đầu năm 2021, thành phố Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số với việc kết nối, tận dụng các công cụ công nghệ thông tin mới tốt hơn. Kinh tế thành phố đang có những bước chuyển mình sang kinh tế số với các kết nối qua mạng ngày càng nhiều, các doanh nghiệp chuyển hướng kinh doanh, tận dụng các nền tảng thương mại điện tử để phát triển. Bên cạnh đó, việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine để đạt được miễn dịch cộng đồng sớm nhất có thể, cùng với các triển vọng về thuốc điều trị COVID-19 sẽ thúc đẩy tiêu dùng, đầu tư và tăng trưởng kinh tế của thành phố. Sự chuyển mình mạnh mẽ này của kinh tế thành phố kết hợp với xu hướng tiêu dùng “bùng nổ” sau một thời gian bị “kìm nén” của người dân khi dịch bệnh được kiểm soát sẽ giúp cho thành phố tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong giai đoạn “bình thường mới”.

 

Nguồn: Nhóm nghiên cứu Trường Đại học Ngân hàng Tp.HCM (PGS. TS. Nguyễn Đức Trung, TS. Lê Hoàng Anh, TS. Nguyễn Minh Nhật)

 

kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE