Trải qua chặng đường gần 45 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh đã khẳng định vị thế là một trong những trường đại học đa ngành hàng đầu cả nước. Tiếp nối các thế hệ đi trước, các giảng viên, nhà khoa học trẻ được đào tạo cơ bản từ các trường đại học danh tiếng trong và ngoài nước, đang không ngừng vươn lên khẳng định vị trí trong cộng đồng khoa học, góp phần tạo nên một diện mạo mới trong hoạt động nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM. Hướng tới Hội nghị điển hình tiên tiến giai đoạn 2015 – 2020, chúng ta hãy cùng làm quen với một số nhà khoa học trẻ tiêu biểu:
TS. Lê Phương – Phó Chủ nhiệm Bộ môn Toán Kinh tế : Tốt nghiệp Tiến sĩ năm 2012 chuyên ngành Toán học tại Đại học Calabria, Ý. Năm 2013, TS. Lê Phương về làm giảng viên tại Bộ môn Toán Kinh tế của Trường ĐH Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh khi vừa tròn 28 tuổi. Sau 7 năm công tác tại Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, đặc biệt là 5 năm trong giai đoạn 2015 – 2020, TS. Lê Phương đã gầy dựng cho mình một gia tài khoa học khá ấn tượng. Anh là chủ nhiệm 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường; thành viên nghiên cứu chủ chốt của 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước (do Quỹ NAFOSTED tài trợ); là tác giả, đồng tác giả của 10 bài báo khoa học, trong đó có
09 bài báo quốc tế trong danh mục ISI. Ngoài hướng nghiên cứu chính trong lĩnh vực thuần túy toán học là Lý thuyết phương trình đạo hàm riêng và ứng dụng; TS. Lê Phương cũng có những bài nghiên cứu sử dụng các phương pháp định lượng trong kinh tế, tài chính. Được sự tín nhiệm, tin tưởng của đồng nghiệp và lãnh đạo nhà trường, năm 2016 TS. Lê Phương chính thức được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm bộ môn Toán Kinh tế của Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM.
TS. Lê Phương chụp hình lưu niệm cùng các đồng nghiệp tại Bộ Môn Toán
TS. Lưu Hớn Vũ – Phó Trưởng Khoa Ngoại ngữ TS. Lưu Hớn Vũ sinh năm 1984, về công tác tại trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh từ 11/2007. Được Nhà trường cử đi đào tạo dài hạn, anh tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Ngôn ngữ học và Ngôn ngữ học ứng dụng (năm 2011) và Tiến sĩ chuyên ngành Ngôn ngữ học và Ngôn ngữ học ứng dụng (2014) cùng tại Đại học Sư Phạm Bắc Kinh, Trung Quốc. Trong giai đoạn 2015 – 2020, TS. Lưu Hớn Vũ là chủ nhiệm 4 đề tài tài nghiên cứu khoa học cấp Trường, tham gia 30 bài báo khoa học trong và ngoài nước, 21 bài tham luận hội thảo, xuất bản 5 giáo trình, tài liệu tham khảo. Hướng nghiên cứu của anh theo 3 hướng chính: Thụ đắc ngôn ngữ, so sánh đối chiếu ngôn ngữ Việt – Trung và giáo dục tiếng Trung Quốc tại Việt Nam. Bên cạnh những kết quả ấn tượng trong nghiên cứu khoa học, TS. Lưu Hơn Vũ cũng là giảng viên được nhiều sinh viên yêu mến và đảm nhiệm nhiều vị trí quản lý quan trọng tại Khoa. Năm 2016, anh được bổ nhiệm làm Trưởng bộ môn Ngoại ngữ 2, Khoa Ngoại ngữ. Năm 2019, được bổ nhiệm làm Phó Trưởng khoa và được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Khoa Ngoại ngữ.
TS. Lưu Hớn Vũ trình bày báo cáo tại Hội thảo Giảng dạy Hoa ngữ Đài – Việt năm 2019
TS. Phạm Thị Tuyết Trinh – Trưởng Bộ môn Thương mại quốc tế - Khoa Kinh tế Quốc tế Sinh năm 1984, TS. Phạm Thị Tuyết Trinh là một "sản phẩm made in BUH”. Sau khi tốt nghiệp đại học chính quy khóa 18 của Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM vào năm 2006, cô được giữ lại Trường và bắt đầu sự nghiệp giảng dạy nghiên cứu của mình. Năm 2014, cô bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM với đề tài
“Vai trò của tỷ giá hối đoái trong cơ chế dẫn truyền chính sách tiền tệ Việt Nam”. Giai đoạn 2015 – 2020, là giai đoạn đột phá mà TS. Phạm Thị Tuyết Trinh đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Cô là chủ nhiệm của 3 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường; là tác giả chính, đồng tác giả của 13 bài báo trong nước và 04 bài báo quốc tế trong danh mục Scopus, ISI; là chủ biên, đồng tác giả của 04 giáo trình và tài liệu tham khảo. Các nghiên cứu của TS. Phạm Thị Tuyết Trịnh tập trung vào: Tài chính quốc tế, chính sách tiền tệ, Ngân hàng trung ương và các chính sách của NHTW, Kinh tế vĩ mô của các nền kinh tế mở… Với mong muốn đóng góp thêm tri thức mới trong lĩnh vực này, đồng thời đưa ra các khuyến nghị trong việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
TS. Phạm Thị Tuyết Trinh chụp hình lưu niệm cùng các bạn sinh viên
TS. Phạm Thị Tuyết Trinh chia sẻ “ Một kiến thức mới mẻ với mình nhưng chưa hẳn là mới mẻ với giới khoa học. Đây là điều thử thách sự kiên trì của bản thân nhiều nhất. Để làm được một nghiên cứu có giá trị đóng góp cho khoa học hiện hành thì mình không chỉ tìm cái mới đối với mình mà còn là cái mới đối với cộng đồng khoa học nữa." Bên cạnh đó, nữ tiến sĩ 8X chia sẻ, các nhà khoa học nữ còn phải nỗ lực nhiều hơn các đồng nghiệp nam để có thể cân bằng, dung hòa giữa gia đình và sự nghiệp nghiên cứu, giảng dạy, quản lý.
Những nhà khoa học trẻ được đề cập trong bài viết này là những điển hình trong rất nhiều nhà khoa học trẻ tại BUH đang miệt mài nỗ lực không chỉ khẳng định mình trong cộng đồng khoa học trong nước mà còn từng bước định vị mình trong cộng đồng khoa học khu vực và thế giới. Năm 2019, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM nằm trong top 50 trường đại học và là một trong 2 trường đại học thuộc khối kinh tế có công bố quốc tế tốt nhất Việt Nam. Kết quả đó, chắc chắn có phần đóng góp không nhỏ của các nhà khoa học trẻ. Hy vọng đây mới chỉ là những kết quả bước đầu, bước vào giai đoạn sung sức nhất của sự nghiệp, họ sẽ còn nguyên vẹn những khao khát của tuổi trẻ, nỗ lực phấn đấu nhiều hơn trong dòng chảy không ngừng của tri thức và khoa học, nơi mà
“ không tiến ắt lùi”.
Phòng Tư vấn Tuyển sinh và Phát triển Thương hiệu - BUH