Quản lý chuỗi cung ứng và Logistics
Trong năm 2020, Apple đã bán hơn 200 triệu chiếu Iphone trên toàn thế giới, hãng này sử dụng hàng ngàn loại nguyên liệu, linh kiện của các nhà cung cấp đến từ gần 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, với các nhà máy lắp ráp và hàng trăm ngàn điểm phân phối trên khắp thế giới. Ngày nay, hầu như không có doanh nghiệp nào có thể tự mình sản xuất tất cả mọi thứ cho đến sản phẩm cuối cùng, mỗi một doanh nghiệp sẽ chỉ đảm nhiệm sản xuất một hoặc một số khâu, loại nguyên liệu hay linh kiện nào đó …sau đó sẽ kết hợp lại để tạo ra sản phẩm cuối cùng, đưa đến các kênh phân phối và đến tay người tiêu dùng. Do đó tất cả các doanh nghiệp, các nền kinh tế đều phụ thuộc lẫn nhau một cách chặt chẽ trong một tổng thể được gọi là “Chuỗi cung ứng”.
Theo CSCMP - Council of Supply Chain Management Professionals, QUẢN LÝ CHUỖI CUNG ỨNG bao gồm việc hoạch định và quản lý tất cả các hoạt động liên quan đến việc nguồn cung ứng (Sourcing), chiến lược mua hàng và duy trì hoạt động mua hàng (Procurement), quá trình chuyển đổi các nguyên liệu thành sản phẩm cuối cùng (conversion), và tất cả hoạt động Logistics. Quan trọng hơn, nó cũng bao gồm quá trình điều phối hợp và hợp tác các kênh đối tác, trong đó có thể là nhà cung cấp, các nhà cung cấp dịch vụ bên thứ ba, và khách hàng. Về bản chất, quản lý chuỗi cung ứng tích hợp quản trị cả phía cung và cầu bên trong một tổ chức cũng như giữa các công ty khác nhau.
LOGISTICS là một phần của quản trị chuỗi cung ứng bao gồm việc hoạch định, thực hiện, kiểm soát việc vận chuyển và dự trữ hiệu quả hàng hóa, dịch vụ cũng như những thông tin liên quan từ nơi xuất phát đến nơi tiêu thụ để đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Logistics có thể là một công đoạn nằm trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp hoặc là dịch vụ được cung cấp bởi các doanh nghiệp Logistics. Các dịch vụ Logistics chủ yếu bao gồm : dịch vụ vận tải (đường hàng không, đường biển, đường bộ, đường sắt), dịch vụ kho bãi, dịch vụ giao nhận và thủ tục hải quan, bảo quản và đóng gói hàng hóa …
Nhu cầu nguồn nhân lực quản lý chuỗi cung ứng và Logistics
Một hệ thống quản lý chuỗi cung ứng tốt giúp đảm bảo cho sự vận hành thông suốt của doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, tạo lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng và biên lợi nhuận. Đội ngũ nguồn nhân lực, các nhà quản trị am hiểu về chuỗi cung ứng ngày càng được các doanh nghiệp đánh giá cao và nhu cầu tuyển dụng rất lớn. Tim Cook, người thiết kế và vận hành chuỗi cung ứng toàn cầu khổng lồ của Apple, cũng là người được chọn để kế nhiệm Steve Jobs trong vị trí CEO của Apple.
Hiện tại, Việt Nam có khoảng 1 triệu lao động đang làm việc trong ngành Quản lý Chuỗi cung ứng, được chia thành 3 nhóm chính: quản trị cao cấp, quản trị trung gian và nhân lực tham gia trực tiếp, theo ước tính chỉ đáp ứng khoảng 40-50% nhu cầu của ngành. Đặc biệt, chỉ có 23,6% lao động tham gia các khóa đào tạo về chuyên ngành trong nước, 3,9% tham gia học các khóa của nước ngoài. Cụ thể hơn trong ngành Logistics, theo Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam, từ nay đến năm 2030, Việt Nam cần từ 200.000 -250.000 nhân lực, bình quân 1 năm cần có 20.000 nhân lực phục vụ cho ngành logistics. Nhưng trên thực tế hiện nay, đào tạo của bậc đại học, cao đẳng đang ở mức độ thấp, thậm chí rất thấp. Tổng chi phí Logistics tại Việt Nam hiện đang chiếm khoảng 20% GDP. Với tác động của đại dịch Covid – 19, phạm vi của Logistics ngày càng mở rộng, không chỉ trong phạm vị các nhà cung cấp, nhà sản xuất, nhà bán lẽ mà còn mở rộng đến người tiêu dùng cuối cùng.
Từ những thống kê trên, có thể thấy ngành Quản lý Chuỗi cung ứng nói chung và Logistics nói riêng tại Việt Nam đang thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực, cả về số lượng lẫn chất lượng. Đặc biệt, với một ngành kinh tế đóng vai trò quan trọng trong tiến trình hội nhập, việc đào tạo kiến thức chuyên môn bằng tiếng Anh là hợp lý và cấp thiết.
Đào tạo nguồn nhân lực quản lý chuỗi cung ứng và Logistics tại BUH
Với triết lý giáo dục “Khai phóng”, “liên ngành”, “trải nghiệm”, BUH tiên phong trong việc triển khai các chương trình đào tạo chuẩn bị nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chuyển đổi số. Tại BUH, sinh viên có thể tiếp cận ngành quản trị chuỗi cung ứng và logistics ở 03 chương trình đào tạo:
- Ngành Quản trị kinh doanh chuyên ngành chuyên ngành Quản trị Logistics và Chuỗi cung ứng thuộc chương trình ĐHCQ chuẩn.
- Ngành Quản trị kinh doanh chuyên ngành Quản lý Chuỗi cung ứng thuộc chương trình ĐHCQ Quốc tế song bằng
- Ngành Quản trị kinh doanh chuyên ngành Quản lý Chuỗi cung ứng thuộc chương trình ĐHCQ Quốc tế do đối tác cấp bằng.
Sinh viên được trang bị những kiến thức nền tảng về khoa học kinh tế và quản trị; kiến thức chuyên sâu và kỹ năng làm việc trong ngành logistic và quản lý chuỗi cung ứng. Sinh viên cũng sẽ được trải nghiệm qua các chuyến tham quan, học tập thực tế tại các cảng biển, kho hàng để tìm hiểu về chuỗi cung ứng, hệ thống phân phối, giao nhận vận tải, quản trị chiến lược, xây dựng - quản lý hệ thống các kho bãi và các điểm kết nối kho bãi, các phương thức vận tải như đường bộ, đường sắt, đường biển và ứng dụng các phần mềm phục vụ hoạt động Logistics và tổ chức bộ máy kinh doanh dịch vụ Logistics cho doanh nghiệp.
Sinh viên chương trình ĐHCQ Quốc tế song bằng và ĐHCQ Quốc tế do đối tác cấp bằng trong hoạt động ngoại khóa- Tham quan Tân cảng Hiệp Phước
Đặc biệt, tại Chương trình đào tạo ĐHCQ quốc tế song bằng (BUH-DDP) sinh viên tốt nghiệp được nhận 02 bằng: Bằng cử nhân QTKD của ĐH Ngân hàng TP.HCM và bằng Cử nhân Quản trị Kinh doanh chuyên ngành Quản lý chuỗi cung ứng của ĐH Bolton, UK. Tại chương trình đào tạo ĐHCQ quốc tế do đối tác cấp bằng (BUH-IBP) sinh viên tốt nghiệp được nhận bằng Cử nhân Quản trị Kinh doanh chuyên ngành Quản lý chuỗi cung ứng do đại học Bolton cấp. Hai chương trình được giảng dạy bởi đội ngũ giảng viên xuất sắc của BUH được đào tạo từ nước ngoài và đội ngũ giảng viên đến từ ĐH Bolton. Đối với BUH – IBP 100% chương trình được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh; đối với BUH – DDP toàn bộ kiến thức ngành, chuyên ngành được giảng dạy bằng tiếng Anh (trừ các học phần thuộc khối kiến thức giáo dục đại cương). Chương trình có nội dung giảng dạy chuyên sâu, giáo trình hiện đại và cập nhật và các xu hướng mới nhất trong lĩnh vực quản trị kinh doanh và quản lý chuỗi cung ứng.
Ngoài ra, chương trình đào tạo tại Viện Đào tạo Quốc tế - BUH cũng chú trọng giúp sinh viên phát triển các kỹ năng cá nhân như tư duy phản biện, khả năng suy luận, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng lãnh đạo và làm việc nhóm, hiểu biết và sử dụng hiệu quả các biện pháp định lượng. Những kỹ năng này là hành trang cần thiết cho sinh viên trên chặng đường chinh phục những cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn.
---------------------
Thông tin tuyển sinh 2021:
Thí sinh quan tâm đến ngành Quản trị Kinh doanh, chuyên ngành Quản lý chuỗi cung ứng tại Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM (Mã trường NHS) có thể đăng ký xét cụ thể như sau:
Ngành Quản trị kinh doanh (Chương trình ĐHCQ chuẩn, bao gồm 03 chuyên ngành: Quản trị kinh doanh, Digital Marketing, Quản trị Logisitcs và Chuỗi cung ứng) xét tuyển 260 chỉ tiêu bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, các tổ hợp môn: A00, A01,D01,D07 Mã ĐKXT: 7340101.
Chương trình ĐHCQ quốc tế song bằng (Bao gồm chuyên ngành QTKD, QTKD chuyên ngành Quản lý chuỗi cung ứng, chuyên ngành Bảo hiểm – Tài chính – Ngân hàng) xét tuyển 80 chỉ tiêu bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, các tổ hợp môn: A00, A01,D01,D07 Mã ĐKXT: 7340002.
Chương trình ĐHCQ quốc tế do đối tác cấp bằng (BUH-IBP) xét tuyển 235 chỉ tiêu bằng học bạ và phỏng vấn đến hết ngày 30/9 với 03 chuyên ngành Quản tri kinh doanh, Quản lý chuỗi cung ứng, Bảo hiểm – Tài chính – Ngân hàng.