Thông cáo báo chí về hội thảo kinh tế vĩ mô “Việt Nam trong bối cảnh bấp bênh của kinh tế toàn cầu năm 2019”

Chiều ngày 22/7/2019, Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM đã tổ chức hội thảo kinh tế vĩ mô với chủ đề “Việt Nam trong bối cảnh bấp bênh của kinh tế toàn cầu năm 2019” Nửa đầu năm 2019 ghi nhận tăng trưởng kinh tế ở mức 6,76% - thấp hơn mức tăng 7,08% của 6 tháng đầu năm 2018 nhưng cao hơn cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2017. Bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước ổn định với CPI bình quân ở mức thấp nhất trong 3 năm gần đây tạo nền tảng tốt để hướng về mục tiêu tăng trưởng 6,6% – 6,8% được Quốc hội đặt ra. Tuy vậy, nền kinh tế vẫn đứng trước nhiều thách thức lớn, mà trong đó sự bất ổn của kinh tế thế giới là nhân tố ảnh hưởng có tính bao trùm. Nhằm đề xuất giải pháp cho những khó khăn, thách thức của kinh tế thế giới năm 2019, trường Đại học Ngân hàng Tp. Hồ Chí Minh tiến hành tổ chức Hội thảo kinh tế với chủ đề “Việt Nam trong bối cảnh bấp bênh của kinh tế toàn cầu năm 2019”. 
Ông Bùi Hữu Toàn – Q. Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM phát biểu
 khai mạc Hội thảo kinh tế vĩ mô “Việt Nam trong bối cảnh bấp bênh của kinh tế toàn cầu năm 2019”

Mở đầu hội thảo, PGS.,TS. Nguyễn Đức Trung - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM
 đã phân tích tình hình vĩ mô thế giới và Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019



Hội thảo với sự tham dự của ông Bùi Quốc Dũng – Trợ lý Trưởng ban kinh tế Trung Ương, PGS., TS. Võ Xuân Vinh – Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh doanh – Trường Đại học Kinh tế Tp.Hồ Chí Minh, TS. Lê Thẩm Dương - Trưởng Khoa tài Chính - Trường ĐH Ngân hàng TPHCM, TS. Trương Văn Phước – Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, TS. Phạm Phú Quốc – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh - Đại biểu quốc hội, TS.Trần Anh Tuấn – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh - Đại biểu quốc hội …. cùng hơn 200 chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực kinh tế ở cả 2 miền Nam, Bắc và hơn 30 kênh báo đài đến đưa tin về hội thảo. 
Mở đầu hội thảo, PGS.,TS. Nguyễn Đức Trung - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Ngân hàng TP.HCM đã phân tích tình hình vĩ mô thế giới và Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019 từ những khía cạnh khác nhau của nền kinh tế. Theo PGS.,TS. Nguyễn Đức Trung, Qũy tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống 3,3%. Tương tự, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng hạ dự báo từ 2,9% xuống 2,6% và là mức thấp nhất kể từ năm 2011. Morgan Stanley cuối tháng 5/2019 đã nhận định cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể khiến kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái nếu Mỹ áp thuế 25% vào 300 tỷ USD hàng còn lại của Trung Quốc. Thêm vào đó, FED sẽ cắt giảm lãi suất về 0% vào mùa xuân năm 2020. Phản ứng với động thái của FED, tính đến hết tháng 6, đã có 23 NHTW giảm lãi suất (Australia, New Zealand, Ấn Độ, Malaysia, Phillipines, Nga…) trong khi chỉ có 7 NHTW tăng lãi suất. 
Với một quốc gia có độ mở kinh tế lớn như Việt Nam, PGS.,TS. Nguyễn Đức Trung đã chỉ ra những ảnh hưởng có thể được nhận thấy qua dữ liệu kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu 2019 như: Tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 6,76%, thấp hơn cùng kỳ năm 2018. Tăng trưởng chậm lại xuất hiện đồng thời cả 3 khu vực. Tăng trưởng sản xuất khu vực nông – lâm – thuỷ sản giảm mạnh nhất, mức giảm là 1,54%; khu vực dịch vụ giảm 0,21%; khu vực công nghiệp – xây dựng chỉ giảm nhẹ ở mức 0,14%. Trong 6 tháng đầu năm 2019, dòng vốn FDI vào tăng trưởng ổn định và tiếp tục góp phần chính cho thặng dư của cán cân thương mại và cán cân tổng thể, tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua vào ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối (DTNH). 
Điểm nhấn của hội thảo là Phiên tọa đàm “Việt Nam trong bối cảnh bấp bênh của kinh tế toàn cầu năm 2019”. Phiên tọa đàm diễn ra với sự chia sẽ của các diễn giả là những nhà khoa học, chuyên gia kinh tế hàng đầu tại Việt Nam như ông Bùi Quốc Dũng – Trợ lý Trưởng ban kinh tế Trung Ương, PGS.,TS. Nguyễn Đức Trung - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TPHCM, PGS., TS. Võ Xuân Vinh – Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh doanh, TS. Lê Thẩm Dương - Trưởng Khoa tài Chính Trường ĐH Ngân hàng TPHCM. Với tinh thần làm việc thẳng thắn và trách nhiệm, các diễn giả đã chia sẽ và trao đổi ý kiến sôi nổi với những khách mời của hội thảo về các vấn đề như: diễn biến của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và tác động của nó đến kinh tế thế giới; độ mở của nền kinh tế Việt Nam và tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đến nền kinh tế Việt Nam; tác động của dòng vốn FDI đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung; điều hành chính sách tiền tệ trong bối cảnh FDI đang là động lực chính tăng trưởng kinh tế; hoạt động tái cấu trúc doanh nghiệp và hệ thống Ngân hàng Việt Nam.


Chia sẻ về diễn biến của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và tác động của nó đến kinh tế thế giới, ông Bùi Quốc Dũng – Trợ lý Trưởng ban kinh tế Trung Ương cho rằng Cuộc chiến tranh này bắt nguồn khi ông Donald Trump tranh cử tổng thống Mỹ với khẩu hiệu “Make America Great Again”. Bắt đầu từ tháng 7/2018, ông Trump đã chính thức hiện thực hóa những cam kết khi tranh cử dẫn đến khơi mào cho cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Tiếp sau đó là những phản ứng liên tục không tuân thủ những cam kết trong thỏa thuận thương mại giữa hai quốc gia. Cuộc chiến thương mại leo thang trong lĩnh vực công nghệ với việc Mỹ cấm vận các hoạt động của công ty công nghệ Huawei. Tuy có lúc cuộc chiến thương mại có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng trên thực tế vẫn có những động thái qua lại về thuế. Do đó, việc bùng phát cuộc chiến tranh thương mại rất cao. Ông Bùi Quốc Dũng cho rằng việc “đình chiến” thương mại tạm thời là do tổng thống Trump đang muốn giữ mức tăng trưởng kinh tế cao để đảm bảo cho hoạt động tranh cử sắp tới. Việc nới lõng cấm vận cho công ty công nghệ Huawei chỉ là một động thái tạm thời của Mỹ và Trung Quốc cũng đã nhận định được điều này nên thận trọng hơn và không nói quá nhiều về thỏa thuận đình chiến. Do vậy, các cam kết mua nông sản từ Mỹ của Trung Quốc, đến thời điểm hiện tại vẫn đang chờ đợi những động thái nới lõng cấm vận cho Huawei. Ông Bùi Quốc Dũng cũng phân tích chiến lược của hai quốc gia trong cuộc chiến tranh Thương mại. Cụ thể, phía Mỹ liên tục đẩy cao cường độ và mức độ căng thẳng của cuộc chiến tranh thương mại trên mọi phương diện kinh tế, sử dụng triệt để công cụ thuế quan và ngoại giao kinh tế thông qua thuyết phục các đối tác hạn chế giao dịch, cô lập Trung Quốc. Ngược lại với Mỹ, cách phản ứng của Trung Quốc mang tính chất kiểm chế để tránh chiến tranh thương mại leo thang. Cụ thể, Trung Quốc chủ động truyền thông để có những phản công mang tính thực chất đối với kinh tế Mỹ nhưng hạn chế công kích trực tiếp đến tổng thống Trump. Bên cạnh truyền thông, Trung Quốc cũng có những thay đổi trong đối ngoại thông qua việc phát hành Sách Trắng Thương mại nêu ra những giới hạn thỏa thuận, những luận điểm phê phán phái đoàn của Mỹ và đưa ra những lý do cho sự đổ vỡ đàm phán thương mại Mỹ - Trung. 
Liên quan đến điều hành chính sách tiền tệ của NHNN đối phó với ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, TS. Phạm Phú Quốc cho răng tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2019 đã có những suy giảm so với cùng kỳ năm 2018 và những chỉ tiêu kinh tế đã đề ra đến cuối năm 2019 sẽ khó có thể đạt được. Tuy nhiên, ông đánh giá cao điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong thời gian vừa qua và cho thấy sự lạc quan, tin tưởng về viễn cảnh kinh tế Việt Nam trong tương lai trước những diễn biến khó lường của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Ông cũng nhấn mạnh về tiềm năng hợp tác kinh tế Việt Nam với Mỹ và các quốc gia đối tác trong hiệp định CPTPP khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung căng thẳng. 

Với một góc nhìn khái quát hơn về viễn cảnh kinh tế Việt Nam trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, TS. Lê Thẩm Dương cho rằng chinh phục sự hỗn loạn là đặc trưng của các nền kinh tế hiện nay. Từ chinh phục sự hỗn loạn dẫn đến việc mỗi quốc gia sẽ tập trung nguồn lực để đạt được chiến lược phát triển. Trong chiến lược phát triển này, các quốc gia phải tập trung vào chuyển đổi nền kinh tế chứ không nên tập trung vào lội ngược dòng. Do đó để phát triển kinh tế, Việt Nam phải tập trung vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là loại hình doanh nghiệp chiếm số đông trên thị trường. Phải nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp này để hạn chế sự phụ thuộc của nền kinh tế vào các doanh nghiệp FDI. Theo TS. Lê Thẩm Dương để tạo thuận lợi cho sự phát triển của DNNVV, Chính phủ cần cải cách thể chế, hiện đại hóa thủ tục hành chính, và ổn định chính sách cũng như kinh tế Vĩ mô. 


Trong khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang, tình hình kinh tế thế giới bất ổn dẫn đến thị trường chứng khoán thế giới đi xuống, một vấn đề xảy ra là thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có những dấu hiệu tăng trưởng tích cực. Lý giải cho vấn đề này, PGS., TS. Võ Xuân Vinh cho rằng giá cổ phiếu đã phản ánh đầy đủ tình hình kinh tế thế giới tuy nhiên vẫn có những thay đổi khó lường. Cụ thể, thị trường chứng khoán Việt Nam chịu tác động của biến động kinh tế thế giới thông qua giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, do tỷ suất sinh lợi trên thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn cao hơn so với các thị trường khác nên đây vẫn là nơi thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. 
Bình luận thêm về động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, TS. Trần Anh Tuấn cho rằng trong những năm gần đây đóng góp của các doanh nghiệp nhà nước trong giải quyết việc làm, thực hiện nghĩa vụ thuế thấp hơn so với các DNNVV. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp FDI đang ngày càng thể hiện vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, sự kết nối của các doanh nghiệp FDI với nền kinh tế Việt Nam khá yếu. TS. Trần Anh Tuấn nhấn mạnh rằng nếu có sự biến động kinh tế thế giới sẽ tác động ngay đến sự kết nối của các doanh nghiệp FDI với nền kinh tế Việt Nam. Do đó, ông cho rằng cần phải đẩy mạnh sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các DNNVV. Để làm được điều này, Chính phủ cần có những giải pháp nhằm giải phóng nguồn lực cho khu vực tư nhân phát triển từ đó thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế.
Đồng quan điểm với các diễn giả và khách mời trước, TS. Nguyễn Trần Phúc cũng cho rằng cơ chế điều hành tỷ giá của NHNN trong thời gian vừa qua rất linh hoạt giúp lấy lại sức mạnh thương mại, cán cân thương mại do đó thặng dư hỗ trợ cho tăng trưởng dự trữ ngoại hối của NHNN. Ông đánh giá cao việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN để trung hòa dòng vốn FDI vào Việt Nam.


Với quan điểm lạc quan hơn về bất ổn kinh tế thế giới cũng như tăng trưởng kinh tế Việt Nam, TS. Trương Văn Phước cho rằng các quốc gia đã có nhiều bài học kinh nghiệm trong ứng phó với khủng hoảng kinh tế. Do đó, một cuộc khủng hoảng kinh tế xuất phát từ những bất ổn trong thời gian vừa qua sẽ khó có thể xảy ra. TS. Trương Văn Phước tin rằng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 ở mức 6,8% - 7,08%. Nếu Việt Nam duy trì được mức lạm phát 3,2%-3,5% thì các dòng vốn vẫn tiếp tục chảy vào Việt Nam trong những năm tiếp theo. Ông cũng cho rằng Việt Nam sẽ phần nào hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung do việc di chuyển hoạt động sản xuất, dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc. Tuy nhiên, TS. Trương Văn Phước nhấn mạnh Việt Nam cần có những động thái thận trọng để duy trì mối quan hệ với nền kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, ông cho rằng thay đổi công nghệ đang làm thay đổi những khái niệm truyền thống trong lĩnh vực kinh tế và những vấn đề như lạm phát, tỷ giá hối đoái cần phải được nhìn lại một cách nghiêm túc. Sự thay đổi công nghệ tác động rất lớn đến lĩnh vực tài chính và ngân hàng. Đặc biệt, các loại tiền số ra đời đã ảnh hưởng rất lớn đến việc điều hành chính sách tiền tệ của các quốc gia. 
Trao đổi về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, TS. Trương Văn Phước cho rằng NHNN đã thực hiện thành công. Việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng chưa dùng đến vốn NSNN. Do đó, không làm mất đi nguồn lực để phát triển kinh tế. Vấn đề của hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay là phải kiên quyết áp dụng các chuẩn mực quốc tế trong hoạt động kinh doanh. 
Hội thảo lần này cũng đề cập đến một câu hỏi lớn của nền kinh tế Việt Nam là trong dài hạn làm thế nào để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Chia sẽ thẳng thắn về vốn đề này Ông Bùi Quốc Dũng cho rằng tốc độ tăng trường kinh tế bình quân 6,4%/ năm của Việt Nam hiện tại là chưa đủ nhanh và có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Ông dẫn chứng trong giai đoạn công nghiệp hóa việt nam chỉ có 5 năm tăng trưởng kinh tế với tốc độ trên 8%, trong khi các quốc gia công nghiệp hóa thành công phải có hơn 10 năm tăng trưởng với tốc độ trên 9%. Theo ông Bùi Quốc Dũng giải pháp để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình là phải gia tăng hàm lượng khoa học công nghệ trong các lĩnh vực mũi nhọn của nền kinh tế. Chọn những ngành công nghiệp thâm hụt lao động nhưng có hàm lượng khoa học cao hơn chẳng hạn như công nghệ chế tạo ô tô. Bên cạnh đó, cần phải thúc đẩy khu vực tư nhân đầu tư vào khoa học công nghệ vì ở khu vực này khả năng thực hiện đầu tư sẽ cao hơn. “Lấy khu vực kinh tế tư nhân làm mũi nhọn để tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy khu vực tư nhân đầu tư vào khoa học công nghệ.”- ông Bùi Quốc Dũng nhấn mạnh.
Sau hơn 3 giờ làm việc Hội thảo kinh tế vĩ mô với chủ đề “Việt Nam trong bối cảnh bấp bênh của kinh tế toàn cầu năm 2019” đã diễn ra sôi nổi với sự thảo luận của các chuyên gia, diễn giả kinh tế và các nhà khoa học, khách mời Doanh nghiệp trong các lĩnh vực Bất động sản, chứng khoán, tài chính Ngân hàng và các lĩnh vực khác. Các chuyên gia, nhà khoa học sau khi phân tích tình hình kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước 06 tháng đầu năm 2019 đánh giá NHNN đã có nhiều giải pháp trong việc kiểm soát lạm phát và góp phần điều hành ổn định kinh tế vĩ mô.
Đại học Ngân hàng TP. HCM chân thành gửi lời cảm ơn đến Quý Báo Đài đã đồng hành cùng nhà trường trong suốt quá trình diễn ra hội thảo. Sự tin tưởng và đồng hành của Quý Báo Đài là niềm tự hào và đồng thời cũng là động lực để chúng tôi nỗ lực tổ chức thêm nhiều chương trình đa dạng các lĩnh vực cũng như quy mô hơn. 
Trong thời gian tới, Đại học Ngân hàng TP.HCM hy vọng và mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ của Quý Báo Đài. 
Kính chúc Quý Báo Đài ngày càng thành công và thịnh vượng. 
Mọi thông tin liên hệ: 0936.909192 (TS. Bùi Quang Tín)


Phòng Tư vấn Tuyển sinh và Phát triển Thương hiệu - BUH


kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE