Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, đinh hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020. Trong chiến lược tài chính toàn diện, Giáo dục tài chính là một mục tiêu quan trọng để thực hiện thành công Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.
Trên thế giới, việc giáo dục tài chính cá nhân được nhiều nước thực hiện cho người dân từ khi nhỏ tuổi (như ở Israel, Nhật Bản, Hà Lan, và các nước phát triển khác). Ở Việt Nam, điều này còn khá mới mẻ và người dân vẫn chưa quen với các khái niệm cơ bản về tài chính và quản lý tài chính: Thu nhập, chi tiêu, tiết kiệm. Việc đào tạo kiến thức về tài chính ngay từ trên ghế nhà trường là bước đi cấp bách và mang tính chiến lược.
Các bạn học sinh tham quan BUH trước khi trải nghiệm lớp học
Năm 2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ với Quỹ Hợp tác Quốc tế các Ngân hàng Tiết kiệm Đức (SBFIC) để hỗ trợ thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện của Việt Nam. Thực hiện biên bản ghi nhớ giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và SBFIC, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM vinh dự là đơn vị được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giao tổ chức triển khai đào tạo các lớp về kiến thức tài chính cá nhân cho các đối tượng chưa có kiến thức về tài chính, chưa hiểu biết về tài chính. Cụ thể, đối tượng mà các khóa đào tạo hướng đến là học sinh các trường phổ thông, sinh viên của các trường đại học – cao đẳng – trung cấp, người lao động ở các doanh nghiệp, công nhân viên chức ở các cơ quan đơn vị sự nghiệp, thành viên của các hiệp hội,…
Các bạn học sinh trải nghiệm lớp học giáo dục tài chính
Phương pháp đào tạo ở các chương trình giáo dục tài chính do Trường Đại học Ngân hàng tổ chức không mang tính lý thuyết thuần túy mà được triển khai thông qua một trò chơi giả lập mang tên Savings Game (Trò chơi tiết kiệm). Các học viên tham gia khóa đào tạo sẽ được chia thành các nhóm chơi. Mỗi nhóm chơi đóng vai là một gia đình thực tế. Quy mô một gia đình trong Savings Game rất tương đồng với một gia đình Việt nam, gồm 5 thành viên của 3 thế hệ (bà nội, bố, mẹ, con trai và con gái). Savings Game trải qua 03 vòng chơi và mỗi vòng chơi có thời hạn từ 5 đến 10 năm. Chu kỳ của games chơi sẽ là 15 đến 30 năm. Các gia đình sẽ thảo luận và xây dựng mục tiêu của gia đình (ngắn hạn và dài hạn), đưa ra các quyết định về mức thu nhập, chi tiêu, tiết kiệm, đầu tư … cho gia đình mình, ứng phó với các tình huống, sự kiện, cơ hội, rủi ro đề tối đa hóa điểm số Chất lượng cuộc sống.
Các bạn học sinh nhận chứng chỉ sau khi hoàn thành khoá học
Các bạn học sinh đã có trải nghiệm trọn vẹn một ngày với các kiến thức về tài chính, không khí của một gia đình nhỏ trong Savings Game và môi trường học tập khang trang, hiện đại, thân thiện tại BUH. Để đảm bảo chất lượng mỗi lớp được tổ chức tối đa trong khoảng 30 -35 học sinh. Thông qua các hoạt động tại Savings Game và sự hướng dẫn nhiệt tình của các thầy cô là chuyên gia của BUH các em học sinh sẽ được truyền tải kiến thức một cách dí dỏm, nhẹ nhàng, tổng quát về tài chính, chi tiêu, đầu tư, giúp các em hiểu được ý nghĩa của ngân sách một hộ gia đình và các quyết định về thu chi. Đồng thời, các em sẽ có những bài học theo cảm nhận của riêng mình về tài chính cá nhân và có thể thấu hiểu hơn các khó khăn của cha mẹ trong các vấn đề tài chính của gia đình. Trong dịp này, các bạn học sinh cũng kết hợp tham quan cơ sở vật chất và tìm hiểu các ngành đào tạo tại BUH.
Các bạn học sinh chụp hình lưu niệm sau buổi học
Tài chính là một phần vô cùng quan trọng trong đời sống chúng ta nó chi phối tất cả các khía cạnh khác của cuộc sống như sự nghiệp, gia đình, sức khỏe, các mối quan hệ xã hội … Thật khó để nói một người có một cuộc sống thành công và hạnh phúc nếu luôn khó khăn và thiếu hụt về tài chính. Tài chính cá nhân không đơn giản là kiếm thật nhiều tiền hay để dành được thật nhiều tiền mà là tổng hòa của tất cả các vấn đề như: thu nhập, chi tiêu, tiết kiệm, đầu tư, quản lý rủi ro; là sự kết hợp giữa hành vi, thói quen cá nhân với những hiểu biết về các sản phẩm dịch vụ tài chính để có các quyết định tài chính tối ưu. Hai người có thể có cùng mức tiền lương hay thu nhập từ lao động, nhưng nếu cách thức quản lý tài chính cá nhân khác nhau thì kết quả tài chính và chất lượng cuộc sống sẽ rất khác nhau. Chương trình Giáo dục tài chính của BUH sẽ giúp các bạn học sinh có thêm những kiến thức và kỹ năng quý giá trong hành trang vào đời của mình.
Chương trình sẽ tiếp tục được triển khai mở rộng cho học sinh các Trường THPT tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.
Phòng Tư vấn tuyển sinh và Phát triển thương hiệu - BUH
Link báo đưa tin:
Báo Lao động
https://laodongtre.laodong.vn/dao-tao/hoc-sinh-thich-thu-tham-gia-tro-choi-tiet-kiem-tai-dai-hoc-ngan-hang-tphcm-873783.ldo
Báo Giáo dục Thời đại
https://giaoducthoidai.vn/tre/giup-hoc-sinh-thpt-hieu-som-ve-tai-chinh-va-cach-to-chuc-quan-ly-tai-chinh-Jre1BwfMg
Báo Người Lao động
https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/giao-duc-tai-chinh-danh-cho-hoc-sinh-thpt-20210123114205104
Báo Dân việt
https://danviet.vn/giao-duc-tai-chinh-cho-hoc-sinh-pho-thong-tai-sao-khong-202101232041579
Báo Giáo dục 247
https://giaoduc247.vn/giao-duc-24h/giao-duc-tai-chinh-cho-hoc-sinh-thpt