Diễn đàn khoa học đã thu hút sự tham gia đông đảo của các diễn giả, khách mời là các chuyên gia kinh tế uy tín hàng đầu, đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, lãnh đạo cao cấp của các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán và doanh nghiệp cùng các nhà khoa học đến từ các viện và trường đại học trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Mở đầu Diễn đàn là bài phát biểu khai mạc của TS. Bùi Hữu Toàn, Q. Hiệu trưởng Nhà trường. Bài phát biểu đã cho thấy mục tiêu của Diễn đàn là tạo ra sự kết nối giữa khoa học và thực tiễn, giữa thị trường và chính sách. Chính vì vậy, Diễn đàn có ý nghĩa quan trọng trong việc đưa ra các hàm ý chính sách giúp Chính phủ điều hành chính sách hiệu quả trong điều kiện hội nhập kinh tế ngày càng gia tăng và nền kinh tế chịu sự tác động từ các diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới.
TS. Bùi Hữu Toàn, Q. Hiệu trưởng Nhà trường, phát biểu khai mạc.
PGS. TS. Nguyễn Đức Trung, P. Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, đại diện nhóm nghiên cứu, đã trình bày Báo cáo “Toàn cảnh kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2018 và các kịch bản cho tương lai”. Tiếp theo là phần trao đổi và thảo luận giữa các diễn giả là các chuyên gia kinh tế hàng đầu: Ông Bùi Quốc Dũng - Trợ lý Trưởng ban Kinh tế Trung ương; TS. Võ Trí Thành - Chuyên gia kinh tế; Ông Nguyễn XuânThành - Giám đốc phát triển Trường Đại học Fulbright Việt Nam.
Toàn cảnh diễn đàn.
Năm (5) vấn đề nổi bật của nền kinh tế hiện nay đã được trao đổi và thảo luận trong 2 phiên, bao gồm:
1. Tăng trưởng kinh tế và cán cân vãng lai;
2. FDI và đóng góp cho tăng trưởng kinh tế;
3. FII và thị trường chứng khoán;
4. Lạm phát chi phí đẩy và ẩn số các cú sốc bên ngoài;
5. Ngân hàng Nhà nước thành công trong điều hành chính sách tiền tệ liên quan đến tỷ giá và kiểm soát lạm phát.
PGS. TS. Nguyễn Đức Trung, P. Hiệu trưởng Nhà trường. trình bày Báo cáo.
Nội dung trao đổi tại diễn đàn đã cung cấp một bức tranh khá toàn diện và rõ ràng về diễn biến kinh tế vĩ mô trong giai đoạn gần đây, đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2018. Các chuyên gia kinh tế đầu ngành đã đưa ra các phân tích và nhận định sâu sắc về động lực của tăng trưởng kinh tế Việt Nam thời gian qua, vai trò và xu thế của dòng vốn FDI và dòng vốn FII, tác động của các cú sốc từ bên ngoài và rủi ro lạm phát “tiềm ẩn” trong 6 tháng cuối năm.
PGS. TS. Trần Hoàng Ngân phát biểu tại Diễn đàn.
Tại diễn đàn, khách mời PGS. TS. Trần Hoàng Ngân, Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh, Giám đốc Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh đánh giá cao kết quả của nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh. PGS. TS. Trần Hoàng Ngân cũng phân tích sâu về những thành công trong điều hành của Chính phủ liên quan đến việc hấp thụ các cú sốc từ bên ngoài, bảo đảm kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Trao đổi, thảo luận cùng các chuyên gia.
Kết quả thảo luận ở diễn đàn này cho thấy, trong bối cảnh vĩ mô thế giới đầy phức tạp, tiềm ẩn nhiều cú sốc cho các nền kinh tế, Chính phủ Việt Nam với phương châm 10 chữ vàng “Kỷ cương - Liêm chính - Hành động - Sáng tạo - Hiệu quả” đã điều hành kinh tế Việt Nam hiệu quả, mà kết quả 6 tháng đầu năm là minh chứng rõ nét. Sáu (6) tháng cuối năm dù còn nhiều khó khăn, nhưng vượt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% là khả thi và 2018 sẽ hoàn thành sứ mệnh là năm bản lề để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016 - 2020.
Từ sự thành công của diễn đàn lần thứ nhất này, Ban Giám hiệu Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh dự định thực hiện thường niên (định kỳ 6 tháng 1 lần) hội thảo “Kinh tế vĩ mô Việt Nam - Phân tích và một số dự báo” nhằm tập trung trí tuệ của các nhà khoa học, các nhà quản lý kinh tế vĩ mô và các doanh nhân trong tham mưu, hiến kế cho Chính phủ để điều hành kinh tế Việt Nam phát triển ổn định và không mắc “bẫy thu nhập trung bình”.