Báo cáo Kinh tế vĩ mô Việt Nam thường niên "Năm 2019: Thị trường Tài chính - Tiền tệ - Bất động sản trước khúc quanh quyết định"

Tiếp nối thành công của Hội thảo “Báo cáo kinh tế vĩ mô - lần 1, tháng 7 năm 2018”, Trường Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tổ chức buổi Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam thường niên “Năm 2019: Thị trường Tài chính – Tiền tệ - Bất động sản trước khúc quanh quyết định”.

Thời gian tổ chức Hội thảo: 13h00 ngày 8 tháng 01 năm 2019. Địa điểm: Hội trường lầu 2, Trường Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh, 36 Tôn Thất Đạm, Q.1, TP.HCM.Tham gia với tư cách là các diễn giả trong buổi hội thảo lần này gồm có: 
1. TS Lê Xuân Nghĩa (Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh doanh)
2. TS Trần Anh Tuấn (Quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM)
3. TS Nguyễn Tú Anh (Vụ phó Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước VN)
4. PGS.TS Nguyễn Đức Trung (Phó Hiệu trưởng – Trường Đại học Ngân hàng TPHCM)
5. TS Lê Thẩm Dương (Trưởng Khoa Tài chính – Trường Đại học Ngân hàng TPHCM)
6. Ông Nguyễn Xuân Thành (Giám đốc phát triển – Trường Đại học Fulbright VN)
7. PGS. TS Võ Xuân Vinh (Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh doanh – Trường Đại học Kinh tế TP.HCM)
8. TS Bùi Quang Tín (Khoa Quản trị Kinh doanh – Trường Đại học Ngân hàng TPHCM)

Năm 2018 khép lại với niềm tự hào về những thành tựu đặc biệt trong phát triển kinh tế Việt Nam. Theo đó, tăng trưởng kinh tế đạt mức 7,08% - là mức tăng cao nhất trong 11 năm trở lại đây, trở thành quốc gia nằm trong nhóm các nước tăng trưởng cao nhất trong khu vực và thế giới. Điều này đến từ ngành chế biến, chế tạo với mức tăng trưởng 12,98% cũng như mức tăng cao nhất của nông nghiệp trong giai đoạn 2012-2018, đạt 3,76%. Ngoài ra, khu vực đối ngoại cũng thiết lập kỷ lục mới với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên 482 tỷ USD đi cùng mức xuất siêu 7,2 tỷ USD, tăng 147% so với năm 2017. Đáng chú ý, khu vực Ngân sách Nhà nước đạt dấu mốc đáng ghi nhớ khi lần đầu tiên Việt Nam vượt thu ngân sách so với dự toán 3,5 tỷ USD. Hơn thế, những con số tăng trưởng trên được tạo ra bởi nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định với lạm phát 3 năm liên tục được kiểm soát thấp ổn định dưới 4%. Rõ ràng, môi trường kinh doanh đã cho thấy nhiều tín hiệu tích cực. Cụ thể, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý I/2019 so với quý IV/2018 của Tổng cục Thống kê cho thấy 85,1% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng tốt lên và ổn định. Bên cạnh đó, chỉ số PMI đạt 56,6 điểm vào tháng 11, cao nhất trong các nước ASEAN; chỉ số phát triển bền vững năm 2018 tăng 11 bậc, xếp hạng 57/176 quốc gia.
Tuy nhiên, len lỏi trong bức tranh kinh tế rực rỡ năm 2018 vẫn còn một số mảng tối nhất định. Theo đó, quý III/2018 đã chứng kiến sự giảm tốc của nền kinh tế, đồng thời, quý IV/2018 tuy đạt 7,31% nhưng ở mức thấp hơn cùng kỳ 2017. Đáng chú ý, những ngành vốn tạo động lực cho giai đoạn 2015 trở lại đây như điện thoại, điện tử, xây dựng đã không còn duy trì được tốc độ ấn tượng như 2016-2017 đi kèm với ngành khai khoáng tiếp tục chuỗi thời gian tăng trưởng âm. Thêm vào đó, ngành dịch vụ đã tăng trưởng thấp hơn so với 2017, trong đó tăng trưởng không cao của dịch vụ bất động sản nhất quán với sự chững lại của tăng trưởng ngành xây dựng. Với những nền tảng trên, tăng trưởng kinh tế vĩ mô được nhóm nghiên cứu dự báo tăng trưởng từ 6,8%-6,9% trong năm 2019. Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, tính từ năm 2008 (năm mà Việt Nam đạt mức GDP bình quân đầu người 1.070 USD và trở thành quốc gia đạt mức thu nhập trung bình), nếu tăng trưởng GDP bình quân 7%/năm, Việt Nam cần 40,5 năm để chuyển sang nước có thu nhập cao (Theo định nghĩa của Ngân hàng Thế giới, một quốc gia bị mắc kẹt trong 42 năm không vượt qua được ngưỡng thu nhập bình quân đầu người từ 1.000 USD – 10.000 USD/năm thì bị coi rơi vào bẫy thu nhập trung bình). 
Mức tăng trưởng bình quân 7%/năm càng trở nên khó khăn khi kinh tế thế giới giai đoạn 2019-2020 được dự đoán tiềm ẩn những diễn biến hết sức khó lường. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung năm 2018 đã cho thấy xu hướng bảo hộ thương mại ngày càng gia tăng. Mặt khác, dòng FDI đang vừa có xu hướng giảm trên phạm vi toàn cầu, vừa có tín hiệu chuyển hướng về các nước có nguồn lực công nghệ cao trên nền tảng 4.0 cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế. Tổng số vốn FDI đăng ký năm 2018 giảm 15,5% so với 2017 là dấu hiệu đáng báo động cho sự suy giảm của nguồn lực này sắp tới. 
Như vậy, năm 2019 mở ra với sứ mệnh quan trọng quyết định cho sự thành công của kế hoạch 5 năm 2016-2020 (do nền kinh tế đã không đạt được mục tiêu ở năm 2016) và xa hơn là việc vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Bối cảnh bên trong còn một số khó khăn trong khi bên ngoài tiềm ẩn nhiều rủi ro đặt nền kinh tế trước thách thức lớn. Những cú sốc kinh tế bên ngoài sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế? Trong bối cảnh đó, những mảng tối của nền kinh tế sẽ được giải quyết như thế nào? Con thuyền kinh tế Việt Nam có động lực bước ngoặt nào để tiến vào năm 2019? Nhằm góp phần tranh luận khoa học cho những câu hỏi đó, nhóm nghiên cứu trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện sách chuyên khảo “Kinh tế vĩ mô Việt Nam – Phân tích và Dự báo” với tập 2:“Kinh tế Việt Nam trước khúc quanh quyết định năm 2019”. Cuốn sách này nằm trong khuôn khổ Báo cáo vĩ mô bán niên của nhà trường như một cầu nối cho giới khoa học hàn lâm và những người làm thực tiễn. 
Trong tập này, nội dung chính gồm: (i) Kinh tế vĩ mô thế giới và tác động đến Việt Nam; (ii) Kinh tế Việt Nam 2018 và kịch bản cho 2019; (iii) Kinh tế Việt Nam trước khúc quanh quyết định. Trong đó, phần Ba sẽ tập trung vào 8 vấn đề:
1- Toàn cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung và tác động dự kiến tới Việt Nam
2- Phân tích tác động của xung đột thương mại Mỹ - Trung đến Việt Nam trên nền tảng mô hình cân bằng động tổng quát ngẫu nhiên (DSGE)
3- Ảnh hưởng bất đối xứng của biến động giá dầu thế giới đến nền kinh tế Việt Nam: Tiếp cận dữ liệu tần suất hỗn hợp (MIDAS)
4- Đánh giá lại độ mở tài chính của Việt Nam
5- Ước lượng sản lượng tiềm năng của Việt Nam và một số hàm ý chính sách
6- Tái cơ cấu ngân hàng thương mại Việt Nam – nhìn lại chặng đường 3 năm
7- Dự báo tăng trưởng kinh tế và lạm phát Việt Nam giai đoạn 2019-2020 trên cơ sở mô hình VAR
8- Dự báo kinh tế vĩ mô giai đoạn 2019-2020 trên cơ sở mô hình cân bằng động tổng quát ngẫu nhiên (DSGE) 
Hy vọng cuốn sách lần này sẽ là một tài liệu tham khảo hữu ích phục vụ công tác điều hành, nghiên cứu tại các bộ, ban, ngành, hệ thống doanh nghiệp – ngân hàng cũng như các nhà nghiên cứu kinh tế.
Nhân dịp ra mắt sách chuyên khảo này, Nhóm nghiên cứu cùng với một số phòng ban của trường Đại học Ngân hàng TP.HCM tổ chức buổi Hội thảo với chủ đề: Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam thường niên “Năm 2019: Thị trường Tài chính – Tiền tệ - Bất động sản trước khúc quanh quyết định”. Buổi hội thảo sẽ diễn ra từ 13h -17h ngày mai gồm ba phần chính:
- Phần 1: Báo cáo Kinh tế vĩ mô năm 2019 của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM
- Phần 2 gồm:
+ Phiên thảo luận 1: Kinh tế vĩ mô Việt Nam: phân tích và một số dự báo giai đoạn 2019 – 2020 
+ Phiên thảo luận 2: Năm 2019: Thị trường Tài chính – Tiền tệ - Bất động sản trước khúc quanh quyết định
Hội thảo ngày 8.1.2019 sẽ có sự tham dự của 37 lãnh đạo từ các cơ quan quản lý nhà nước, ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán, bất động sản và doanh nghiệp khác; hơn 70 khách mời là Ban giám hiệu, các nhà khoa học trong và ngoài trường; 20 sinh viên, cựu sinh viên của trường Đại học Ngân hàng TP.HCM và các Trường Đại học khác. 
Hội thảo còn có sự tham gia đưa tin của hơn 20 kênh báo chí, truyền hình và phát thanh tại TP.HCM như: VTV, HTV, FBNC, VITV, VOH, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Thời báo Ngân hàng, Báo Tuổi trẻ, Báo Thanh Niên, Báo Người lao động, Dân trí, Vnexpess, Tiền phong….
Mong hẹn gặp lại tất cả quý vị khách quý tại buổi hội thảo diễn ra vào ngày mai.
Chúc hội thảo diễn ra thành công tốt đẹp!

BAN TỔ CHỨC