Sáng ngày 12 tháng 01 năm 2021, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM đã tổ chức Hội thảo Kinh tế vĩ mô thường niên – BUH Economics Forum với chủ đề “Việt Nam năm 2021 - Thời cơ trong nguy khó”.
Hội thảo có sự tham gia của các nhà nghiên cứu, chuyên gia kinh tế hàng đầu, đại diện các cơ quan hoạch định chính sách như:
- GS. TS. Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế quốc dân; Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ
- GS. TS. Nguyễn Thị Cành - Trường Đại học Kinh tế Luật - Đại học Quốc Gia TP. Hồ Chí Minh
- TS. Võ Trí Thành - Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu & cạnh tranh
- Ông Nguyễn Xuân Thành – Giảng viên Trường Đại học Fulbright Việt Nam; Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ
- TS. Phạm Chí Quang - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
- TS. Nguyễn Thị Hiền - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
- TS. Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam; Thành viên Hội đồng Chính sách tiền tệ Quốc gia
- GS. TS. Võ Xuân Vinh - Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh doanh Trường Đại học Kinh tế TP. HCM
- TS. Lê Thị Kim Xuân - Trưởng Vp Đại diện Hiệp hội Ngân hàng tại TP. HCM
Về phía Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh có sự tham dự của:
- PGS TS. Đoàn Thanh Hà – Chủ tịch Hội đồng trường
- TS. Bùi Hữu Toàn – Hiệu trưởng
- PGS TS. Nguyễn Đức Trung – Phó Hiệu trưởng
Cùng sự tham dự của đại diện các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán, lãnh đạo, giảng viên, nghiên cứu viên của Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM và các Trường Đại học, Viện nghiên cứu trong cả nước; và các cơ quan báo chí truyền thông.
Toàn cảnh Hội thảo
Tại hội thảo, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh đã chính thức công bố “Báo cáo Kinh tế vĩ mô năm 2020”. Đồng thời, các chuyên gia hàng đầu đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, cơ quan hoạch định chính sách và các doanh nghiệp, tổ chức tài chính trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam đã trao đổi các vấn đề liên quan đến kinh tế Việt Nam năm 2020 và đánh giá triển vọng cho năm 2021.
TS. Bùi Hữu Toàn - Hiệu trưởng trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc Hội thảo
Kinh tế Việt Nam năm 2020 đã trải qua khó khăn thử thách chưa từng có: dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19) bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của nước ta và tất cả các quốc gia trên thế giới. Kết thúc năm 2020 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, kinh tế Việt Nam vẫn bộc lộ nhiều cái nhất.
PGS. TS. Nguyễn Đức Trung - Phó Hiệu trưởng - Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh trình bày báo cáo tại Hội thảo
Đầu tiên là mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam tuy chỉ đạt 2,91%, thấp nhất trong thập niên 2011-2020, nhưng đây lại là con số cực kỳ ấn tượng và thuộc nhóm cao nhất toàn cầu. Trái với sự sụt giảm trong doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, doanh thu bán lẻ hàng hóa vẫn duy trì được mức tăng 6,8%, chiếm 79% tổng mức hàng hoá bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng nhờ vào sự chuyển mình mạnh mẽ của các doanh nghiệp từ kênh bán hàng truyền thống sang kênh bán hàng trực tuyến.
Mặc dù đầu tư toàn xã hội có sự tăng trưởng thấp nhất trong giai đoạn 2011-2020 ở mức 5,7% nhưng chi đầu tư phát triển tính đến 15/12/2020 đạt 356,01 nghìn tỷ đồng, tương đương 75,65% dự toán năm, và là tỷ lệ so với dự toán cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Kết quả này cho thấy nổ lực của chính phủ trong thực hiện mục tiêu kép vừa kiểm soát dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế.
GS. TS. Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế quốc dân;
Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ
Điểm sáng tiếp theo thể hiện ở thặng dư thương mại đạt mức kỷ lục là 19,1 tỷ USD, cao hơn 10 tỷ USD so với thặng dư thương mại năm 2019. Đây cũng là năm thứ 5 liên tiếp Việt Nam ghi nhận thặng dư thương mại, với xu hướng năm sau cao hơn năm trước. Thặng dư thương mại cao kỷ lục có sự đóng góp từ tăng trưởng nhập khẩu ở mức thấp nhất trong giai đoạn 2012-2020 là 3,6%. Tuy nhiên, nhập khẩu tư liệu sản xuất ước đạt 245,6 tỷ USD, tăng 4,1% so với năm 2019 và chiếm 93,6% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa. Đà tăng trưởng nhập khẩu tư liệu sản xuất thể hiện hoạt động sản xuất nội địa vẫn duy trì, và cho thấy niềm tin của doanh nghiệp vào những chính sách của chính phủ.
GS. TS. Nguyễn Thị Cành - Trường Đại học Kinh tế Luật - Đại học Quốc Gia TP. Hồ Chí Minh
TS. Võ Trí Thành - Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu & cạnh tranh
Ông Nguyễn Xuân Thành – Giảng viên Trường Đại học Fulbright Việt Nam;
Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ cũng là một thành quả của nền kinh tế Việt Nam năm 2020. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã giảm 2% lãi suất điều hành. Đây là mức cắt giảm lãi suất điều hành lớn nhất khu vực châu Á, tạo điều kiện giảm lãi suất thị trường, đẩy mạnh huy động trái phiếu chính phủ. Cụ thể, lãi suất trái phiếu đã giảm 4 lần (từ 12,01%/năm 2011 xuống 2,86% năm 2020), trong khi kỳ hạn trái phiếu chính phủ tăng gấp 3,5 lần (từ 3,8 năm vào 2011 lên 13,94 năm vào 2020). Đây là nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển đất nước.
TS. Phạm Chí Quang - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
TS. Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam;
Thành viên Hội đồng Chính sách tiền tệ Quốc gia
Những điểm sáng trong năm 2020 đã tạo tiền đề cho sự phục hồi kinh tế vào năm 2021. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam năm 2021 vẫn còn nhiều thách thức xuất phát từ hiệu quả chưa rõ ràng của vắc xim ngừa Covid-19 và rủi ro tiềm ẩn bong bóng nợ công ở các nước phát triển. Bên cạnh đó, giá xăng dầu trong nước năm 2021 được dự báo sẽ biến động tăng cùng chiều với giá thế giới sẽ tạo áp lực gia tăng lạm phát.
GS. TS. Võ Xuân Vinh - Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh doanh Trường Đại học Kinh tế TP. HCM
Đáng nói hơn, công tác dự báo các chỉ số vĩ mô năm 2021 phục vụ cho việc hoạch định chính sách đang gặp nhiều khó khăn do sự thay đổi hành vi tiêu dùng trước ảnh hưởng của dịch bệnh. Do đó, việc sử dụng các mô hình học sâu (Deep Learning) không phụ thuộc vào sự thay đổi hành vi của các chủ thể trong nền kinh tế sẽ cho kết quả dự báo tốt hơn các mô hình truyền thống. Với các tiếp cận dựa trên các mô hình học sâu (Deep Learning), tăng trưởng kinh tế năm 2021 được dự báo ở mức 6%. Với mức tăng trưởng này, năm 2021 sẽ là năm bản lề mà kinh tế Việt Nam tận dụng thời cơ trong nguy khó để hướng đến phát triển mạnh mẽ trong 2 năm tới khi mà thế giới phục hồi tăng trưởng trở lại.