Tại diễn đàn với chủ đề “Năm 2024 - kinh tế Việt Nam vượt những cơn gió ngược” tổ chức vào 9/1 tại Đại học Ngân hàng TPHCM, các chuyên gia phân tích cơ hội và thách thức của nền kinh tế Việt Nam hiện tại và triển vọng trong thời gian tới.
Diễn đàn do Đại học Ngân hàng TPHCM (HUB) tổ chức tại cơ sở chính của trường ở 36 Tôn Thất Đạm, quận 1, TPHCM vào sáng 9/1, quy tụ hơn 20 diễn giả là các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, tài chính đầu ngành, lãnh đạo các Hiệp hội; ngân hàng; doanh nghiệp; các nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu viên tại các trường đại học khối Kinh tế.
Là sự kiện thường niên của HUB, diễn đàn kinh tế vĩ mô năm nay với chủ đề “Năm 2024 - kinh tế Việt Nam vượt những cơn gió ngược” được tổ chức trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam và thế giới vừa trải qua nhiều biến động, chịu tác động không nhỏ của tình hình địa chính trị phức tạp, lạm phát chỉ mới bắt đầu hạ nhiệt ở nhiều nền kinh tế lớn...
Tại Việt Nam, tăng trưởng GDP năm 2023 chỉ đạt ở mức 5,05%, thấp hơn khá nhiều mục tiêu 6,5% đã đề ra khi hoạt động xuất nhập khẩu chưa phục hồi khi nhu cầu của các thị trường nhập khẩu chính như Trung Quốc, Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc thấp; sức cầu của thị trường nội địa thấp dưới tác động của làn sóng cắt giảm lao động, thu nhập đi xuống… Tuy nhiên, con số này vẫn được đánh giá là tích cực trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu.
Năm 2024, Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6 - 6,5%, tốc độ tăng CPI bình quân từ 4 - 4,5%. Mục tiêu này đặt trong bối cảnh các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và tiếp tục tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, ít nhất trong nửa đầu năm 2024, trước khi đón nhận những dấu hiệu tích cực, khả quan hơn nửa cuối năm.
Tuy nhiên, năm 2024 là năm bứt phá của chặng đường kinh tế 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Do đó, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cũng sẽ dốc toàn lực cho chặng đường về đích này.
Nhiều tổ chức nước ngoài cũng đã đưa ra dự báo tương tự về tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024. Cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch Ratings cho rằng, chính sách tài chính và tiền tệ trong nước của Việt Nam đã hỗ trợ nhiều cho nền kinh tế và nhờ vậy, tăng trưởng GDP năm 2024 sẽ đạt 6,3% và 7% vào năm 2025.
Trong khi đó, tại báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Việt Nam được duy trì ở mức 6%. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng dự báo Việt Nam đứng thứ 20 thế giới với mức tăng trưởng năm 2024, đạt 5,8%.
Diễn ra ngay thời điểm đầu năm 2024, các chuyên gia kinh tế hàng đầu tại diễn đàn kinh tế vĩ mô do HUB tổ chức cùng phân tích và dự báo về những cơ hội và thách thức sẽ đón chờ phía trước nhằm phác thảo bức tranh về tình trạng nền kinh tế Việt Nam hiện tại và triển vọng trong thời gian tới.
Theo PGS, TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng HUB, trên cở sở phân tích bốn khía cạnh: kinh tế thực (việc làm, thất nghiệp, lạm phát), chính sách tài chính; xuất nhập khẩu - đầu tư nước ngoài và đầu tư công, diễn đàn kỳ vọng tìm ra giải pháp tối ưu trong bối cảnh nền kinh tế phức tạp, khó dự đoán.
Các chia sẻ và tham luận tại hội thảo là cơ sở để tham mưu cho Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan ban, bộ ngành của Chính phủ trong xây dựng, điều hành chính sách. Hội thảo kinh tế lần này cũng nhằm giúp cho các ngân hàng, doanh nghiệp có những chiến lược kinh doanh ứng phó kịp thời với các điều kiện bấp bênh của thị trường kinh tế thế giới, hướng đến phát triển bền vững trong tương lai.
Diễn đàn kinh tế vĩ mô “Năm 2024 - kinh tế Việt Nam vượt những cơn gió ngược” do HUB tổ chức, có sự đồng hành truyền thông của báo Dân trí. Trong năm nay, Đại học Ngân hàng TPHCM và báo Dân trí phối hợp tổ chức các hoạt động, sự kiện, hội thảo, nhằm cung cấp đến độc giả những thông tin kinh tế, tài chính chính thống, khoa học và chuẩn xác.
Ban tổ chức
Báo Dân trí đưa tin về sựu kiện:
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/cac-chuyen-gia-dau-nganh-phan-tich-du-bao-kinh-te-viet-nam-nam-2024-20240104181134006.htm
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/gan-20-chuyen-gia-du-dien-dan-kinh-te-viet-nam-vuot-nhung-con-gio-nguoc-20240105122553709.htm