Ngày 19 tháng 07 năm 2024, Khoa Ngân hàng Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM đã tổ chức thành công Hội thảo cấp trường với chủ đề “BỨC TRANH NỢ XẤU CỦA HỆ THỐNG NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI VIỆT NAM THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP” tại Hội trường lầu 2, số 36 Tôn Thất Đạm, Quận 1.
Buổi hội thảo đã thu hút sự quan tâm của các giảng viên, các nhà khoa học, nghiên cứu sinh, nhà quản lý đến từ các trường Đại học và các tổ chức tài chính tại Việt Nam. Khách mời của Hội thảo bao gồm TS. Trương Văn Phước, nguyên Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, thành viên Ban tư vấn Chính phủ, TS. Dương Trọng Đoàn, giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong. Về phía Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, Ban chủ tọa bao gồm PGS.TS. Nguyễn Đức Trung (Hiệu trưởng nhà trường), PGS. TS. Phan Diên Vỹ (Trưởng khoa Sau Đại học), PGS. TS. Lê Đình Hạc (Trưởng Khoa Ngân hàng).
Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS. TS. Nguyễn Đức Trung đã chia sẻ rằng trong 6 tháng đầu năm 2024, kinh tế Việt Nam được đánh giá đã có những dấu hiệu phục hồi tích cực. Tuy nhiên, đà tăng trưởng này cũng đang đối mặt với nhiều thách thức như: rủi ro tín dụng trong khu vực tài chính gia tăng, đặc biệt trong nhóm ngành bất động sản; khó khăn trong việc phục hồi tăng trưởng của nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thực trạng này đã ảnh hưởng đến danh mục tín dụng của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam và gia tăng áp lực rủi ro tín dụng lên toàn hệ thống. Làm thế nào có thể dung hòa được giữa mục tiêu xử lý nợ xấu nhưng vẫn hỗ trợ cho các doanh nghiệp tăng trưởng là một trong những thách thức mà Chính phủ phải giải quyết trong các tháng cuối năm. Nhằm tạo không gian để thảo luận và chia sẻ các ý tưởng, giải pháp để giải quyết vấn đề trên, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM đã tổ chức hội thảo quy tụ đông đảo các nhà khoa học, nhà quản lý và các bên liên quan.
Hội thảo được mở đầu bằng phần báo cáo của ThS. Lê Hoài Ân với chủ đề “Đánh giá xu hướng nợ xấu từ danh mục cho vay của các Ngân hàng thương mại”. Ông Ân đã nêu những thực trạng về tình hình nợ xấu, nợ quá hạn của các NHTM Việt Nam, từ đó đề xuất các dấu hiệu cảnh báo và nhận định xu hướng rủi ro tín dụng của các ngân hàng dựa trên các dấu hiệu này.
Tiếp theo là phần chia sẻ của TS. Dương Trọng Đoàn về thực tiễn và kinh nghiệm xử lý nợ xấu dưới góc nhìn của nhà quản lý ngân hàng. Ông Đoàn đã phân tích những điểm hợp lý trong Thông tư 02 của Chính phủ và việc áp dụng trong thực tiễn. Bên cạnh đó, ông cũng chia sẻ các khó khăn gặp phải liên quan đến việc thẩm định, định giá, xử lý tài sản bảo đảm và thu hồi nợ của khách hàng.
Phần trình bày cuối cùng của TS. Trương Văn Phước về kinh nghiệm quản lý và giám sát nợ xấu đối với các NHTM. Ông Phước đã nêu những nguyên tắc cốt lõi về mặt quản trị và các thách thức đối với hệ thống luật pháp trong quá trình xử lý nợ xấu. Ông cũng nêu bật các kinh nghiệm thực tiễn tại các quốc gia trong việc xử lý nợ xấu.
Cuối cùng, tọa đàm bước vào phần hỏi đáp và tranh luận của khách mời đối với các diễn giả, trong đó bao gồm các nội dung xoay quanh giải pháp xử lý nợ xấu trong thực tiễn và khả năng áp dụng công nghệ trong việc giải quyết vấn đề nợ xấu.
Kết thúc tọa đàm, PGS. TS. Nguyễn Đức Trung – Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng phát biểu: buổi hội thảo hôm nay đã diễn ra với không khí vô cùng sôi nổi, đã nhận được nhiều chia sẽ đa chiều từ nhiều góc nhìn đến từ các nhà khoa học và từ những người làm thực tiễn. Đại diện nhà trường chân thành cảm ơn quý đại biểu, quý khách mời, quý thầy cô và các nhà khoa học đã tham dự và góp phần cho buổi hội thảo được thành công tốt đẹp.
Hội thảo kết thúc vào 11h30 phút cùng ngày.