Hội thảo lấy ý kiến các bên liên quan xây dựng chương trình đào tạo thạc sĩ Hệ thống thông tin quản lý

Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đối với các ngành học trong kỷ nguyên số, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM (HUB) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các bên liên quan xây dựng ngành đào tạo thạc sĩ Hệ thống thông tin quản lý.

Toàn cảnh buổi Hội thảo

       Về tham dự Hội thảo về phía trường Đại học Ngân hàng TPHCM có PGS.TS Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng;    PGS.TS Lê Đình Hạc - Trưởng khoa Sau Đại học; Ths Nguyễn Văn Thi – Phó trưởng khoa phụ trách khoa Hệ thống thông tin quản lý; TS Nguyễn Duy Thanh - Phó trưởng khoa Hệ thống thông tin quản lý ; TS Trịnh Hoàng Nam - Phó trưởng phòng CNTT cùng quý thầy cô là giảng viên của 2 khoa Sau Đại học và Hệ thống thông tin quản lý và cựu người học.

Về phía các chuyên gia là các nhà khoa học ngoài trường và đại diện doanh nghiệp, đơn vị sự dụng lao động có sự tham dự của PGS.TS Nguyễn Mạnh Tuân – Trưởng bộ môn Hệ thống thông tin quản lý Trường ĐH Bách khoa TP. Hồ Chí Minh; PGS.TS Phạm Quốc Trung - Trưởng Phòng Mô phỏng Trường ĐH Bách khoa TP. Hồ Chí Minh; Ông Đỗ Nhật Thanh - Giám đốc tín dụng Ngân hàng OCB.

Phát biểu chỉ đạo, quán triệt nội dung Hội thảo. PGS.TS Nguyễn Đức Trung gợi mở Hội thảo cần tập trung trao đổi về nội dung và các vấn đề đặt ra đối với chương trình đào tạo (CTĐT) thạc sĩ ngành Hệ thống thông tin quản lý; PGS.TS. Nguyễn Đức Trung cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội thảo và khẳng định, kết quả của Hội thảo sẽ là cơ sở quan trọng trong việc thực hiện xây dựng ngành đào tạo thạc sĩ Hệ thống thông tin quản lý của Nhà trường.

PGS.TS Nguyễn Đức Trung – Hiệu trưởng HUB phát biểu

         Tại hội thảo, TS. Nguyễn Duy Thanh – Phó trưởng khoa Hệ thống thông tin quản lý trình bày báo cáo khái quát về dự thảo chương trình đào tạo thạc sĩ ngành Hệ thống thông tin quản lý bao gồm: Chương trình đào tạo thạc sĩ ngành Hệ thống thông tin quản lý được xây dựng theo 2 định hướng Nghiên cứu và Ứng dụng. Mục tiêu của chương trình đào tạo nêu rõ ràng cụ thể về chuẩn đầu ra (CĐR) của chương trình đào tạo gồm phần kiến thức, phần kỹ năng và tự chủ và chịu trách nhiệm; khối lượng kiến thức toàn khóa là 60 tín chỉ; chương trình đào tạo tham khảo, đối sánh là các trường đại học ở nước ngoài như Trường Đại học Auckland (New Zealand) được đánh giá là một trong những Trường đại học hàng đầu thế giới, nằm trong Top 100 trường đại học tốt nhất thế giới; Đại học Maryland (United States); Đại học Quốc gia Singapore:, các trường Đại học ở Việt Nam như Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh: Chương trình đào tạo Thạc sĩ Hệ thống thông tin quản lý; Đại học Quốc tế TP. Hồ Chí Minh: Chương trình đào tạo Thạc sĩ Công nghệ thông tin quản lý.

TS. Nguyễn Duy Thanh – Phó trưởng khoa HTTTQL trình bày báo cáo

        Hội thảo tiến hành trao đổi và lắng nghe các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà tuyển dụng. Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Mạnh Tuân- trưởng bộ môn Hệ thống thông tin quản lý Trường Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh cho biết CTĐT được xây dựng dựa trên nhu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp, của xã hội; việc xây dựng CTĐT ngành Hệ thống thông tin quản lý là rất tốt, đặc biệt trong giai đoạn cách mạng công nghệ 4.0 như hiện nay; CTĐT được xây dựng theo 2 định hướng nghiên cứu và ứng dụng điều này phù hợp với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; CTĐT được xây dựng công phu, tỷ mỷ, chọn lọc có so sánh với các trường liên quan, phù hợp với điều kiện thực tế của Nhà trường; tính logic của CTĐT thể hiện được trình tự, người học dễ tiếp nhận, đáp ứng mục tiêu về kiến thức, kỹ năng, tự chủ và trách nhiệm; đáp ứng các CĐR.

 PGS.TS. Nguyễn Mạnh Tuân - TBM Hệ thống thông tin quản lý  Trường ĐH Bách khoa TP. Hồ Chí Minh

        Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Phạm Quốc Trung - Trưởng Phòng mô phỏng Trường ĐH Bách khoa TPHCM cho biết CTĐT ngành Hệ thống thông tin quản lý phù hợp với thời đại, đặc biệt sau giai đoạn Đại dịch Covid-19. Chuẩn hóa ma trận phân bổ chuẩn đầu ra cho các môn học để cho người đọc dễ hiểu. Đối tượng tuyển sinh nên liệt kê danh mục các ngành phù hợp, ngành gần, ngành khác. Chuẩn đầu ra của CTĐT được thiết kế 10 chuẩn chia thành 3 nhóm: Kiến thức, kỹ năng và tự chủ và trách nhiệm là tương đối nhiều. Nhóm 3 nên tập trung vào thái độ nhiều hơn. Quy định đối với công dân là người nước ngoài nên có quy định về năng lực Tiếng Việt. Trường nên xem xét bổ sung các học phần sau vào CTĐT: Digital Marketing, Fintech, Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, Kỹ năng lãnh đạo và quản lý.

PGS.TS. Phạm Quốc Trung - Trưởng Phòng mô phỏng Trường ĐH Bách khoa TPHCM

 

Ông Đỗ Nhật Thanh - Giám đốc tín dụng Ngân hàng OCB đóng góp ý kiến

       Với vai trò là chủ tọa của Hội thảo, sau khi lắng nghe các chuyên gia phân tích về thực trạng, đưa ra các giải pháp và đề xuất thêm các nội dung để chương trình thạc sĩ kế toán chương trình thạc sĩ ngành Hệ thống thông tin quản lý, PGS.TS Nguyễn Đức Trung đã đánh giá cao tinh thần làm việc, chất lượng buổi thảo luận đồng thời gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các nhà khoa học, các nhà tuyển dụng của các Trường Đại học, các doanh nghiệp. Việc tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các bên liên quan là khâu quan trọng trong thực hiện kế hoạch xây dựng ngành đào tạo thạc sĩ Ngành Hệ thống thông tin quản lý tại Trường Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh. Thầy Trung yêu cầu Ban xây dựng ngành đào tạo thạc sĩ ngành Hệ thống thông tin quản lý nghiêm túc tiếp thu ý kiến đóng góp, trao đổi rất thẳng thắn, hữu ích của các nhà khoa học, nhà tuyển dụng lao động, từ đó, thực hiện thật tốt việc xây dựng chương trình đào tạo thạc sĩ của Trường.

Tin bài và hình ảnh: Phòng TVTS &PTTH