Từ ngày 2- 4/8/2024 Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh (HUB) phối hợp AVSE Global và Trường Kinh doanh Leonard de Vinci (EMLV Business School, Pháp) tổ chức Hội nghị Châu Á của Hiệp hội Kinh tế lượng, Đông Á và Đông Nam Á 2024 (2024 Asia Meeting of the Econometric Society, East & Southeast Asia - AMES 2024) được tổ chức tại Khách sạn Le Meridien Saigon 3C Đ. Tôn Đức Thắng, Bến Nghé, Quận 1, Hồ Chí Minh, Vietnam
Hội nghị AMES 2024 thu hút được sự quan tâm đặc biệt và quy tụ hơn 250 chuyên gia và nhà khoa học đến từ hơn 40 quốc gia. Đây là lần đầu tiên một sự kiện lớn của Hiệp hội Kinh tế lượng thế giới được tổ chức tại Việt Nam, hứa hẹn sẽ đưa ra thảo luận những vấn đề cấp thiết và quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu, đóng góp vào sự phát triển chung của khu vực Châu Á.
Điều phối hội nghị do GS. Nobuhiro Kiyotaki, Giáo sư Kinh tế và Ngân hàng Harold H. Helms '20 tại Đại học Princeton; GS. Nguyễn Đức Khương, Giám đốc điều hành Trường Kinh doanh EMLV, Giám đốc Phát triển Quốc tế của Tổ hợp đại học De Vinci Higher Education, và Chủ tịch AVSE Global và PGS.TS. Nguyễn Đức Trung – Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh – The Local Organizing Committee.
Tại phiên toàn thể của AMES 2024 sẽ được lắng nghe trình bày của 04 diễn giả là những học giả danh tiếng trong lĩnh vực kinh tế, tài chính và chính sách từ các Đại học hàng đầu thế giới:
1. Harrison Hong, Giáo sư Kinh tế Tài chính John R. Eckel, Jr., Đại học Columbia, Hoa Kỳ;
2. Charles I. Jones, Giáo sư Kinh tế, Trường Kinh doanh Stanford, Hoa Kỳ
3. Gilat Levy, Giáo sư Kinh tế, Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị Luân Đôn, Vương quốc Anh
4. Mark W. Watson, Giáo sư Kinh tế và Quan hệ công chúng Howard Harrison và Gabrielle Snyder Beck, Đại học Princeton, Hoa Kỳ
Kinh tế lượng trở nên cực kỳ cần thiết đối với một quốc gia đang phát triển nhanh chóng như Việt Nam, giúp Chính phủ, các cơ quan điều phối và doanh nghiệp có thể ra quyết định dựa trên những tính toán khoa học và dữ liệu thực tiễn. Các bài nghiên cứu chuyên sâu được lựa chọn giới thiệu tại hội nghị hướng đến định lượng những mối quan hệ trong nền kinh tế cũng như đánh giá tác động chính sách lên hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại quốc tế, thị trường tài chính, và phát triển bền vững. Các chủ đề vĩ mô như kinh tế sức khoẻ, kinh tế giáo dục và hưu trí cũng được thảo luận. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, việc sử dụng kinh tế lượng cũng sẽ giúp Việt Nam nắm bắt được xu hướng toàn cầu, tối ưu hóa nguồn lực, và nâng cao khả năng cạnh tranh.
Thông tin chi tiết về chương trình: https://ames2024.sciencesconf.org