Để thu thập ý kiến đóng góp nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng chương trình đào tạo ngành Tài Chính - Ngân Hàng, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực tài chính trong nền kinh tế hiện đại, chiều ngày 23 tháng 10 năm 2024, Khoa Tài Chính - Trường Đại học Ngân Hàng TP.HCM đã tổ chức tọa đàm tại cơ sở 36 Tôn Thất Đạm, Quận 1. Buổi tọa đàm thu hút sự tham gia của các chuyên gia, giảng viên, doanh nghiệp, cựu sinh viên và sinh viên, thể hiện sự quan tâm sâu sắc đối với sự phát triển của chương trình đào tạo.
Tham dự chương trình tọa đàm, về phía lãnh đạo Nhà trường và đại diện các đơn vị có sự hiện diện của TS. Nguyễn Trần Phúc - Phó Hiệu trưởng HUB, PGS. TS. Hoàng Thị Thanh Hằng - Trưởng phòng Quản Lý Đào Tạo, TS. Nguyễn Thế Bính - Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Khoa Học và Công Nghệ Ngân Hàng, TS. Ông Văn Năm - Trưởng phòng Khảo Thí và Đảm Bảo Chất Lượng; TS. Nguyễn Minh Nhật - Phó Trưởng khoa Ngân Hàng; ThS. Trần Vĩnh Nguyên - Giám đốc Thư Viện; TS. Trần Trọng Huy - Phó Trưởng phòng Quản Lý Đào Tạo.
Về phía Khoa Tài chính, có sự tham gia của TS. Nguyễn Anh Vũ - Trưởng khoa, TS. Trần Tuấn Vinh - Phó Trưởng khoa, TS. Đặng Thị Quỳnh Anh - Phó Trưởng khoa, PGS. TS. Đặng Văn Dân – Trưởng bộ môn Tài chính tiền tệ, TS. Dương Thị Thuỳ An - Trưởng bộ môn Tài chính Doanh nghiệp, TS. Nguyễn Duy Linh - Trưởng bộ môn Đầu tư.
Đến từ các Trường đại học trong nước có sự hiện diện của TS. Nguyễn Duy Sữu - Phó Trưởng khoa Kế Toán trường Đại học Tôn Đức Thắng, TS. Dương Đăng Khoa - Giảng viên khoa Tài chính Ngân hàng trường Đại học Tôn Đức Thắng.
Đại diện các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động, Toạ đàm cũng vinh dự đón tiếp ông Phạm Ngọc Hoàng Thanh - Tổng giám đốc Học viện Smart Train, ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc nhân sự ngân hàng TMCP Bản Việt, bà Trần Thị Hương Trà - Giám đốc tài chính công ty TNHH Grobest Industrial Việt Nam, ông Trần Quốc Chí - Giám đốc Công ty CP chứng khoán SSI PGD Nguyễn Văn Cừ, bà Trần Thị Bích Phương - Giám đốc Công ty CP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội chi nhánh Thống Nhất, ông Hồ Văn Toàn - Phó giám đốc PVCombank chi nhánh Gia Định, bà Nguyễn Trúc Anh - Giám đốc ngân hàng Á Châu PGD Phổ Quang, ông Nguyễn Đào Nhật Đăng - Trưởng phòng Quản lý rủi ro ngân hàng Bản Việt.
Cùng sự tham dự của giảng viên Khoa Tài chính, các Khoa trong trường, các bạn cựu sinh viên, sinh viên của HUB.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, TS. Nguyễn Trần Phúc – Phó Hiệu trưởng HUB chia sẻ: “ Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh luôn chú trọng cải tiến, nâng cao chất lượng, thực hiện các cam kết với người học và xã hội. Hiện tại 100% các ngành/chương trình đào tạo của Trường (trừ các ngành/chương trình chưa có sinh viên tốt nghiệp) đã được kiểm định theo các bộ tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Các chương trình đào tạo của Trường được xây dựng, phát triển, triển khai thực hiện, rà soát điều chỉnh theo các quy định, quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy trình của Nhà trường và khuyến nghị của các tổ chức kiểm định. Trong đó, việc tham khảo ý kiến của các bên liên quan như: nhà tuyển dụng, các chuyên gia, giảng viên, sinh viên, cựu sinh đóng vai trò rất quan trọng.”. TS. Nguyễn Trần Phúc nhấn mạnh tầm quan trọng của tọa đàm này và khẳng định rằng kết quả thu được sẽ là cơ sở quan trọng cho việc nâng cấp và cải tiến các chương trình đào tạo của Khoa Tài Chính.
Đại diện Ban rà soát, điều chỉnh chương trình đào tạo trình bày báo cáo tóm tắt về dự thảo 03 chương trình đào tạo Tài chính, Tài chính và quản trị doanh nghiệp, Tài chính định lượng và quản trị rủi ro. Đây là các chương trình được xây dựng từ năm 2021 và được thực hiện rà soát, điều chỉnh giữa chu kỳ theo quy định và khuyến nghị của AUN – QA. Trên nền tảng chung của ngành Tài chính ngân hàng, các chương trình tập trung trang bị cho người học kiến thức nền tảng về kinh tế, kinh doanh, quản lý, tài chính, kế toán và có kiến thức chuyên sâu, hiện đại về tài chính, ngân hàng. Người tốt nghiệp có phẩm chất chính trực và chuyên nghiệp, năng lực tự nghiên cứu, tự học; khả năng thích nghi và phát triển nghề nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế và kỷ nguyên số.
Đồng thời 03 chương trình cũng thể hiện sự khác biệt, chuyên sâu, đem lại cho sinh viên những lựa chọn đa dạng.
Chuyên ngành Tài chính hướng đến tính toàn diện đào tạo đội ngũ nhân lực có năng lực đảm nhiệm các vị trí chuyên môn và quản lý trong các khu vực tài chính đa dạng như: Đầu tư tài chính, ngân hàng, tài chính doanh nghiệp, bảo hiểm, bất động sản, tài chính khu vực công. Đồng thời, chương trình đào tạo đã được công nhận có độ tương thích cao với Chương trình CFA (Chartered Financial Analyst), với nhiều nội dung chuyên sâu trong lĩnh vực đầu tư tài chính.
Chương trình Tài chính và Quản trị doanh nghiệp định hướng đào tạo các chuyên gia có năng lực quản lý, điều hành bộ phận tài chính của các doanh nghiệp, tổ chức; phân tích, tư vấn tài chính có am hiểu sâu sắc về các hoạt động kinh doanh, quản trị, vận hành của doanh nghiệp; thực hiện các công việc ở các lĩnh vực quản trị khác nhau của doanh nghiệp.
Chương trình Tài Chính Định Lượng và Quản Trị Rủi Ro định hướng đào tạo các chuyên gia tài chính có năng lực ứng dụng các kiến thức, kỹ năng phân tích định lượng và khoa học máy tính để giải quyết các vấn đề tài chính và quản trị rủi ro bằng định lượng trong lĩnh vực đầu tư, ngân hàng, tài chính doanh nghiệp và bảo hiểm.
Các chương trình đều có những điểm nhấn và đổi mới quan trọng như cập nhật các học phần chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo trong tài chính, đầu tư, quản lý rủi ro, quản trị doanh nghiệp; nhấn mạnh đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực tài chính ngân hàng; cập nhật xu hướng tài chính bền vững, tác động của ESG đối với các quyết định tài chính của doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Hội thảo tiến hành trao đổi và lắng nghe các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà tuyển dụng. Nhìn chung các chuyên gia, nhà tuyển dụng đánh gia cao dự thảo các chương trình đào tạo của Khoa Tài chính, các chương trình đã cung cấp đầy đủ kiến thức mà nhà tuyển dụng kỳ vọng ở sinh viên, đồng thời bắt kịp xu hướng mới trong lĩnh vực tài chính. Các chuyên gia cũng đóng góp nhiều ý kiến quan trọng về việc gia tăng liên kết giữa Nhà trường và doanh nghiệp thông qua các chương trình kiến tập, phát triển kỹ năng mềm, kỹ năng bán hàng, khả năng ngoại ngữ, góp ý về chuẩn đầu ra và đặc biệt là gợi ý một số các môn học, nội dung đào tạo đang được sự quan tâm của các doanh nghiệp, tổ chức tài chính.
Phát biểu bế mạc, TS. Nguyễn Trần Phúc đã đánh giá cao tinh thần làm việc, chất lượng buổi toạ đàm, đồng thời gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các các nhà tuyển dụng, các chuyên gia, giảng viên các Trường Đại học. Việc tổ chức toạ đàm lấy ý kiến các bên liên quan là khâu quan trọng trong thực hiện cải tiến và nâng cao chất lượng chương trình đào tạo ngành Tài chính - Ngân hàng tại Trường Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh. TS. Nguyễn Trần Phúc yêu cầu Ban cải tiến chương trình đào tạo, Khoa Tài chính nghiêm túc tiếp thu ý kiến đóng góp, trao đổi rất thẳng thắn, hữu ích của các nhà chuyên gia, nhà tuyển dụng lao động, từ đó, thực hiện thật tốt việc cải tiến chương trình đào tạo ở cả 3 chuyên ngành “Tài chính”, “Tài chính và Quản trị doanh nghiệp”, “Tài chính định lượng và Quản trị rủi ro” của Khoa Tài Chính.
Tin bài: Khoa Tài chính
Hình ảnh: Phòng Tuyển sinh và Truyền thông